|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu nhập khẩu gạo của EU tăng mạnh, doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội

08:00 | 29/04/2022
Chia sẻ
Bộ Công Thương cho biết nhu cầu nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2030, khoảng 250.000 tấn. Do vậy, doanh nghiệp Việt cần nắm bắt lợi thế EVFTA để gia tăng thị phần ở thị trường này.

Theo Bộ Công Thương, châu Âu (EU) không tự túc được hoàn toàn gạo, điển hình như Thụy Điển, Đan Mạch, và Na Uy. Sản xuất trong khu vực chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu thụ gạo của EU, do vậy EU phải nhập khẩu 1,8 triệu tấn gạo xay xát.

Do vậy, Bộ Công Thương cho rằng nhu cầu nhập khẩu gạo của EU sẽ tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2020 – 2030, khoảng 250.000 tấn.

Hiện nay, thị trường Bắc Âu đang chủ yếu nhập khẩu gạo xát (trắng) và gạo xát vỏ (nâu) là những loại gạo quan trọng nhất để nhập khẩu vào Bắc Âu, kể cả khi nói đến các loại gạo đặc sản.

Ngoài ra, người tiêu dùng ở Bắc Âu ngày càng nhận thức được sự cần thiết của một chế độ ăn uống lành mạnh. Do vậy, thị trường này cũng rất quan tâm đến các loại gạo hữu cơ, gạo lứt, gạo đen…

Trong năm 2020, các nước Bắc Âu nhập khẩu 147.718 tấn gạo, trị giá 186,5 triệu USD, trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam đạt 5,8 triệu USD, tương đương với 7.353 tấn, với giá trung bình là 740 USD/tấn.

Hiện nay, Việt Nam chỉ mới xuất khẩu gạo xay xát sang khu vực Bắc Âu. Tuy kim ngạch xuất khẩu chưa phải là nhiều, chỉ chiếm 3% thị phần nhập khẩu tại Bắc Âu, nhưng với tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, trung bình 54%/năm trong giai đoạn 2016-2020.

Trước năm 2019, Thụy Điển hầu như không nhập khẩu gạo Việt Nam. Sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, kim ngạch nhập khẩu gạo của Thụy Điển từ Việt Nam đã có bước tăng trưởng đáng kể, từ vài chục nghìn USD đã lên đến hơn 1 triệu USD năm 2019 và 1,7 triệu USD năm 2020.

Xuất khẩu gạo Việt Nam sang Na Uy cũng tăng mạnh từ 1,8 triệu USD năm 2018 lên hơn 3,7 triệu USD năm 2020.

Tương tự, nhập khẩu gạo của Đan Mạch từ Việt Nam không tăng trưởng mạnh như thị trường Thụy Điển và Na Uy nhưng cũng ở mức trung bình 8%/năm trong giai đoạn 5 năm 2016-2020, cao hơn mức tăng trưởng nhập khẩu gạo trung bình của thị trường này.

Hoàng Anh