|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu năng lượng tăng nhanh gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người

20:59 | 18/09/2020
Chia sẻ
Ông Trần Anh Tuấn, Thư kí Hiệp hội Năng lượng thế giới cho rằng, phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, ổn định và bảo vệ môi trường.

Ngày 17/9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức “Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020”, báo Chính phủ đưa tin.

Thống kê tại Việt Nam cho thấy, nhu cầu năng lượng trong nước tăng nhanh gấp khoảng 2 lần so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người. Trong nhiều năm trở lại đây nhu cầu năng lượng tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm về tốc độ.

Trong khi nhiên liệu hóa thạch phải mất hàng trăm triệu năm để hình thành ở các dạng khác nhau như than đá, dầu mỏ, khí đốt tùy vào điều kiện môi trường thì tốc độ tiêu thụ của con người quá nhanh nên được xem là nguồn năng lượng không tái tạo. 

Điều này đã đặt ra sức ép lớn trong việc bảo đảm nhu cầu năng lượng cũng như an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, vấn đề bảo đảm nhu cầu năng lượng cho phát triển bền vững cần phải dành được sự ưu tiên cao.

Nhu cầu năng lượng tăng nhanh gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người - Ảnh 1.

Diễn đàn Công nghệ và Năng lượng Việt Nam 2020 diễn ra ngày 17/9. Ảnh: Bộ Công Thương.

Ông Trần Anh Tuấn, Thư kí Hiệp hội Năng lượng thế giới cho rằng, phát triển các dạng năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, hydrogen…) sẽ là xu thế tất yếu của thời đại, nhằm tạo ra các nguồn năng lượng sạch, ổn định và bảo vệ môi trường. 

Theo khảo sát, hơn 100 nước trên thế giới đã chọn biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả là biện pháp có tác động lớn nhất đến việc sử dụng năng lượng vào năm 2040. Biện pháp này sẽ tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt; đổi mới công nghệ trong sản xuất để tiết kiệm điện…

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, ngành năng lượng nước ta đã có bước phát triển mạnh, tương đối đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực và phân ngành năng lượng về cơ bản đã bám sát định hướng phát triển năng lượng của Đảng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể.

Bên cạnh đó, thời gian qua đã có nhiều chính sách cho phát triển ngành năng lượng tái tạo như Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050…

Trong đó, Nghị quyết số 55 đã đề ra những mục tiêu quan trọng để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển nền kinh tế nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường khả năng tiếp cận năng lượng với dịch vụ và giá cả hợp lí.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tuấn Anh khẳng định, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều các dự án nhà máy điện tại Việt Nam có sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài. 

Đặc biệt, hoạt động đầu tư nước ngoài vào các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT trong thời gian qua là đáng kể, làm giảm áp lực vốn cho Chính phủ trong những dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có vốn lớn, công nghệ phức tạp như các dự án nguồn điện và góp phần quan trọng vào việc cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia, nhất là trong bối cảnh các tập đoàn nhà nước (EVN, PVN, TKV) khó khăn về vốn đầu tư cho các dự án nguồn điện.

Ông cũng cho biết thêm, Việt Nam áp dụng cơ chế hỗ trợ giá điện cố định (FIT) là công cụ chính sách phổ biến được sử dụng bởi hầu hết các nước trên thế giới. Thực tế đã chứng minh cơ chế giá FIT là công cụ hữu hiệu thúc đẩy phát triển nhanh nguồn điện năng lượng tái tạo, đặc biệt đối với những thị trường mới như Việt Nam.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong thời gian tới, theo kinh nghiệm của các nước phát triển trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, để phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo thì cần tập trung vào các nội dung chính như: chính sách, hạ tầng truyền tải và điều độ vận hành hệ thống điện. 

Về chính sách, các dự án năng lượng tái tạo sẽ chuyển sang cơ chế đấu thầu, nhà đầu tư phát triển được lựa chọn sẽ là nhà đầu tư đưa ra giá bán điện từ dự án điện năng lượng tái tạo thấp nhất.

Như Huỳnh

ĐHĐCĐ Nam Long: Doanh số quý I ước đạt 1.160 tỷ đồng, có thể đưa ra thị trường 15.000 sản phẩm trong ba năm tới
HĐQT Nam Long định hướng phát triển trong năm 2024 tập trung vào dòng sản phẩm nhà ở vừa túi tiền và hợp với nhu cầu thị trường, mục tiêu bán trên 3.100 sản phẩm với doanh số kỳ vọng đạt 9.554 tỷ đồng.