Nhu cầu cần tăng mạnh hơn nữa mới có thể kéo giá dầu ra khỏi mức 40 USD/thùng
Theo báo cáo khảo sát hàng tháng của các nhà phân tích và chuyên gia kinh tế của Reuters công bố vào ngày 31/7, giá dầu khó có thể tăng cao hơn mức hiện tại nếu nhu cầu dầu toàn cầu tăng không đáng kể trong nửa cuối năm 2020.
Theo các chuyên gia, giá dầu Brent trung bình năm 2020 ở mức 41,5 USD/thùng, tăng 1 USD/thùng so với mức dự báo tháng trước là 40,4 USD/thùng.
Giá dầu WTI trung bình là 37,51 USD/thùng, tăng từ mức dự đoán 36,1 USD/thùng trong một cuộc khảo sát trước đó.
Theo cuộc khảo sát tháng trước của Reuters, các nhà phân tích cho rằng giá dầu khó có thể tăng vọt theo bất kì cách nào mặc dù OPEC+ cắt giảm đáng kể sản lượng dầu thô cũng như việc phục hồi nền kinh tế và nhu cầu dầu được dần phục hồi chỉ để tăng giá dầu trong quí IV.
Trong các cuộc khảo sát tháng này, các nhà phân tích dự đoán giá dầu sẽ tăng hơn một chút nhưng những bất ổn kéo dài về nhu cầu dầu và nền kinh tế suy thoái có thể cản trở việc tăng giá của dầu thô.
Trang Oilprice dẫn chứng dữ liệu mới nhất của IEA cho đến ngày 24/7 cho thấy nhu cầu xăng dầu của Mỹ tăng vọt lên mức 8,8 triệu thùng/ngày, ít nhất là tạm thời kết thúc vài tuần nhu cầu giảm.
Mức tiêu thụ này được cho là cao nhất trong bốn tháng.
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở nhiều nơi trên toàn cầu, bao gồm cả thị trường tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới là Mỹ có thể làm chậm quá trình tái mở cửa nền kinh tế và quá trình phục hồi nhu cầu dầu.
Hơn nữa thị trường dầu có thể lâm vào tình trạng thâm hụt cung-cầu đáng kể trong nửa cuối năm 2020.
Hãng nghiên cứu Rystad Energy trong ngày 28/7 đã cảnh báo rằng việc nới lỏng cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể dẫn đến nguồn cung dư mới trong bốn tháng tới.
OPEC đã quyết định cắt giảm khoảng 7,5 triệu thùng/ngày từ tháng 8 thay vì 9,6 triệu thùng/ngày như 3 tháng trước đó sau thông tin nền kinh tế Mỹ chịu sự sụp đổ tồi tệ nhất từ trước đến nay khi GDP giảm gần 33% trong quí II, theo Investing.com.
Bên cạnh đó, Nga đã không đạt mục tiêu cắt giảm sản lượng theo cam kết OPEC+, khi sản lượng dầu và khí ngưng tụ của nước này đã tăng vượt hạn ngạch theo thỏa thuận trong tháng 7.
Bước sang tháng 8, thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu giữa Nga và OPEC+ sẽ hết hạn. Theo thỏa thuận, nước này cam kết cắt giảm sản lượng xuống khoảng 8,5 triệu thùng dầu/ngày trong giai đoạn tháng 5-7/2020 nhằm hỗ trợ giá dầu.
Phil Flynn, chuyên gia phân tích của Tập đoàn Price Futures tại Chicago nhận định: "Với sự bất ổn định do làn sóng COVID-19 thứ hai đem lại và báo cáo việc làm hàng tuần tồi tệ, thông tin GDP Mỹ lao dốc như "đổ thêm dầu vào lửa" vào thị trường vốn đã trì trệ. Có lẽ quyết định gia tăng sản xuất tại thời điểm này không phù hợp".
Các chuyên gia cho biết yếu tố chính để thúc đẩy giá dầu bắt nguồn từ việc sớm tạo ra một loại vắc xin hiệu quả.
Điều này có thể đẩy nhanh sự phục hồi nền kinh tế từ đó kéo theo sự phục hồi nhu cầu dầu thô.
Giá dầu đã bị chững lại trong những tuần gần đây do sự gia tăng vọt các ca nhiễm COVID-19 ở nhiều quốc gia.
California một lần nữa áp dụng biện pháp phong tỏa hai tuần trước trong khi Anh vào ngày 24/7 đã phong tỏa khu vực Greater Manchester và các khu vực khác ở phía Tây Bắc nước này sau nhiều báo cáo về các ca nhiễm COVID-19 mới.
Đầu tháng 7, IEA cho hay nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm 7,9 triệu thùng/ngày trong năm 2020, ít hơn so với dự báo 8,1 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Tuy nhiên IEA cũng lưu ý rằng trong thời điểm dịch bệnh hiện tại, nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay vẫn ở trạng thái không chắc chắn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jay Powell cảnh báo tốc độ phục hồi kinh tế đang chậm lại kể từ khi các quốc gia mở cửa trở lại vào tháng 5.
Ông cũng cho biết số việc làm tại các quán ăn và nơi giải trí công cộng như nhà hàng và quán bar không đủ để đáp ứng lượng lớn nhân công thất nghiệp.