|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Bản tin thị trường năng lượng ngày 31/7: Kinh tế suy yếu đẩy giá dầu thô giảm sâu

23:25 | 31/07/2020
Chia sẻ
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 30/7, áp lực từ những số liệu kinh tế vĩ mô không mấy khả quan của một số nền kinh tế lớn đã đẩy giá dầu thô thế giới giảm sâu.
Bản tin thị trường năng lượng ngày 31/7: Kinh tế suy yếu đẩy giá dầu thô giảm sâu - Ảnh 1.

Bản tin thị trường năng lượng ngày 31/7: Kinh tế suy yếu đẩy giá dầu thô giảm sâu. Nguồn: Finance Brokerage

Dưới đây là phân tích diễn biến thị trường năng lượng toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 31/7:

Theo kế hoạch sơ bộ trong tháng 9, Na Uy sẽ chỉ xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn dầu thô (300.000 thùng/ngày) từ mỏ dầu lớn nhất của nước này là Johan Sverdrup, giảm 35% so với tháng 8 và là mức thấp nhất kể từ khi mỏ dầu này được đi vào khai thác hồi năm ngoái.

Tổng cộng kế hoạch xuất khẩu của 9 loại dầu của Na Uy ở mức 897.000 thùng/ngày, giảm 294.000 thùng/ngày hay 25% so với tháng 8. 

Chính phủ Nauy đang giới hạn sản lượng khai thác dầu của nước này ở mức 1,73 triệu tấn trong năm 2020. 

Báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA, cho thấy tồn kho khí gas tự nhiên của Mỹ tăng thêm 26 Bcf trong tuần kết thúc ngày 24/7. 

Theo dữ liệu tàu biển từ Refinitiv, sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iraq từ các cảng phía Nam tính đến ngày 29/7 đã đạt 2,75 triệu thùng/ngày, cao hơn 50.000 thùng/ngày so với tháng 6. 

Các cảng phía Bắc đã xuất khẩu ít nhất 400.000 thùng/ngày, tăng 370.000 thùng/ngày so với tháng 6. 

Công ty dầu khí ConocoPhillips của Mỹ cho biết kì vọng sẽ khôi phục lại toàn bộ hoạt động sản xuất trước cuối tháng 9 này, sau khi 1/3 sản lượng khai thác dầu khí của hãng này bị cắt giảm khi giá dầu thô suy yếu. 

Theo kế hoạch xuất khẩu sơ bộ, khối lượng xuất khẩu của 5 loại dầu biển Bắc trong tháng 9 sẽ ở mức 740.000 thùng/ngày, giảm so với mức 831.000 thùng trong tháng 8.

Áp lực từ những số liệu kinh tế vĩ mô không mấy khả quan của một số nền kinh tế lớn đã đẩy giá dầu thế giới giảm sâu trong phiên ngày hôm qua. 

GDP quí II của Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng -11,7%. Tồi tệ hơn, Mỹ ghi nhận một mức tăng trưởng GDP kém nhất từ trước đến nay, -32,9%. Những thông tin bất lợi này đã ảnh hưởng tới thị trường tài chính toàn cầu, trong đó có dầu thô. 

Chưa dừng lại ở đó, Tổng thống Donald Trump tiếp tục tạo thêm những rủi ro mới cho thị trường khi đề xuất việt hoãn bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 để đảm bảo sức khỏe cho người dân khi đi bầu cử.

Trong khi đó, Quốc hội Mỹ vẫn chưa thống nhất được phương án để kéo dài các khoản hỗ trợ tài chính cho người lao động mất việc làm trong bối cảnh gói hỗ trợ cũ sẽ hết hạn vào cuối ngày hôm nay và dịch bệnh vẫn tiếp tục tàn phá nền kinh tế.

Điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn khiến triển vọng nhu cầu dầu trở nên u ám hơn bao giờ hết. Trong khi đó, kể từ ngày mai, OPEC+ sẽ bắt đầu nới lỏng hạn mức cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô.

Giá dầu thô WTI tháng 9 giảm 3,27% trong phiên hôm qua trước áp lực từ thông tin GDP quí II của Mỹ giảm mạnh.

Giá dầu thô Brent tháng 9 giảm 1,85%. Bắt đầu từ tuần sau, OPEC+ sẽ nới lỏng hạn mức cắt giảm sản lượng.

Giá khí gas tự nhiên tháng 8 giảm 5,23% do thời tiết tại Mỹ mát mẻ hơn dự báo.

Giá xăng RBOB tháng 8 giảm 1,7% theo đà giảm của giá dầu thô.

Chi tiết bản tin thị trường năng lượng ngày 31/7:

Ngọc Ánh