|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhờ bế tắc khi sửa nhà, đôi vợ chồng gây dựng được start-up 4 tỉ đô

07:13 | 09/07/2018
Chia sẻ
 Từ chỗ bế tắc ý tưởng khi tu sửa lại nhà, một đôi vợ chồng ở bang California đã sáng lập một công ty khởi nghiệp (start-up) giúp kết nối những người có định sửa nhà hoặc xây nhà với những nhà thiết kế và kiến trúc sư chuyên nghiệp. Chỉ trong vòng 9 năm, start-up này đã phát triển thần tốc, thu hút 40 triêu người dùng trên toàn cầu và đang được định giá đến 4 tỉ đô la Mỹ.

Khởi nghiệp sau khi “đau đầu” vì sửa nhà

nho be tac khi sua nha doi vo chong gay dung duoc start up 4 ti do

Alon Cohen và vợ Adi Tatarko thuyết trình tại một sự kiện công nghệ ở San Francisco, bang California, Mỹ hồi tháng 9-2017. Ảnh: Getty

Năm 2009, đôi vợ chồng người Mỹ gốc Israel anh Alon Cohen và chị Adi Tatarko quyết định tu sửa căn nhà cũ được xây dựng từ thập niên 1950 mà họ mới tậu ở TP. Palo Alto, bang California. Là những người yêu thiết kế nội thất, họ nhanh chóng nhận ra rằng quá trình sửa nhà gian nan hơn họ tưởng.

“Chúng tôi gặp khó khăn khi tìm các nguồn vật liệu tốt cũng như nguồn cảm hứng để giúp chúng tôi hình dung diện mạo tương lai của căn nhà và tìm đúng những những người chuyên nghiệp giúp chúng tôi biến những mường tượng thành hiện thực”, Adi Tatarko, nói trong cuộc trò chuyện với trang tin CNN Money.

Đôi vợ chồng đã mua một đống sách và tạp chí về thiết kế nội thất để cắt những hình ảnh trong đó ra, rồi nhìn vào chúng để “động não” tìm kiếm các ý tưởng thiết kế sửa sang lại căn nhà nhưng rốt cục vẫn bó tay. Họ cũng tìm đến các nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp do bạn bè giới thiệu nhưng những người này không đáp ứng được các yêu cầu của họ về kiểu cách thiết kế cũng như mức chi phí tu sửa.

Từ thực tế đó, Tatarko, một nhân viên hoạch định tài chính ở một công ty đầu tư và Cohen, một giám đốc công nghệ cấp cao ở công ty thương mại trực tuyến eBay, nảy ra ý định thành lập một nền tảng trực tuyến để giúp những gia chủ khác tránh phải “đau đầu” khi tìm ý tưởng thiết kế sửa nhà hoặc xây nhà mới.

Trong cùng năm đó, họ đã thành lập start-up Houzz, một nền tảng web và ứng dụng di động giúp kết nối các gia chủ với những người chuyên nghiệp trong lĩnh vực thiết kế xây dựng như kiến trúc sư và những nhà thiết kế nội thất. Tatarko đảm nhận vai trò giám đốc điều hành Houzz, còn chồng chị giữ ghế chủ tịch.

Thông qua nền tảng Houzz, các gia chủ có thể thảo luận ý tưởng sửa nhà với các kiến trúc sư và nhà thiết kế chuyên nghiệp, xem trước bố cục của đồ đạc trong căn nhà mới của họ bằng cách sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường cũng như mua đồ đạc bán trên Houzz

Có mặt ở 15 nước và 40 triệu người dùng

nho be tac khi sua nha doi vo chong gay dung duoc start up 4 ti do

Tính năng View in My Room 3D của nền tảng Houzz giúp tăng cơ hội mua các sản phẩm nội thất của khách hàng. Ảnh: The Verge

Một năm sau khi Houzz ra đời, Tatarko và Cohen nghỉ việc để dành toàn thời gian cho công ty khởi nghiệp của họ. Cohen đã viết code cho phiên bản đầu tiên của nền tảng web Houzz. Ban đầu, họ mời 24 phụ huynh của bạn bè con cái họ và một vài nhà thiết kế địa phương đăng ký miễn phí để làm thành viên của Houzz.

Houzz nhanh chóng được biết đến nhờ những lời truyền miệng và điều này đã giúp đôi vợ chồng tuyển dụng được những nhân viên đầu tiên vào năm 2010. Bốn năm sau đó, Houzz mở rộng hoạt động sang Anh, thị trường nước ngoài đầu tiên của công ty này.

Những năm sau đó, tiếng tốt đồn xa, hàng triệu người tìm đến Houzz để tìm kiếm ý tưởng cho “ngôi nhà trong mơ của họ” vì nền tảng này cung cấp cho họ một dữ liệu khổng lồ gồm 16 triệu hình ảnh thiết kế nhà bếp, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm, không gian ngoài trời, văn phòng làm việc tại nhà... kèm theo các dữ liệu liên quan.

Tatarko cho biết vợ chồng chị quyết định xây dựng chợ trực tuyến trên Houzz vào năm 2014 để bán hàng từ các nhà cung cấp thứ ba vì nhận thấy rằng người dùng có nhu cầu mua các vật liệu và đồ nội thất mà họ nhìn thấy trong các hình ảnh thiết kế.

Houzz có hai cách chính để kiếm tiền. Gói thành viên cấp cao có thu phí của Houzz cho phép các kiến trúc sư, các nhà thiết kế và các thương hiệu đồ nội thất quảng cáo dịch vụ của trên Houzz. Ngoài ra, Houzz cũng được trích 15% hoa hồng khi mỗi món đồ đạc của các thương hiệu nội thất được bán trên chợ trực tuyến của Houzz đang niêm yết 10 triệu sản phẩm từ 20.000 công ty.

Vòng gọi vốn mới nhất của Houzz vào tháng 6-2017 giúp công ty này huy động được 400 triệu đô la Mỹ để phục vụ cho kế hoạch nâng cấp và mở rộng công nghệ. Theo công ty nghiên cứu CB Insights, Houzz được định giá khoảng 4 tỉ đô la trong vòng gọi vốn này. Nhiều quỹ đầu tư nổi tiếng như Iconiq Capital, Wellington Management, Sequoia Capital và GGV Capital đã rót tiền vào Houzz. Các quỹ đầu tư đặt cược rằng Houzz sẽ giành được một góc lớn của miếng bánh thị trường thiết kế và đồ nội thất trị giá hơn 300 tỉ đô la mỗi năm.

Đến nay, Houzz đã thu hút được 40 triệu người dùng hàng tháng và phát triển ra rộng khắp toàn cầu với các dịch vụ được địa phương hóa ở 15 nước cũng như các văn phòng khu vực ở London, Berlin, Sydney, Tel Aviv, Moscow và Tokyo.

Sức mạnh của công cụ 3D

Tatarko cho biết một trong những sức mạnh của Houzz là cung cấp cho người dùng một công cụ 3D được xây dựng dựa trên công nghệ thực tế ảo tăng cường để giúp họ hình dung được các đồ đạc và cách bài trí chúng trông sẽ như thế nào trong căn nhà mới.

Công cụ 3D này, được giới thiệu vào năm ngoái, là một phần của ứng dụng trên nền tảng Houzz có tên gọi “View in My Room 3D” (xem căn phòng của tôi bằng hình ảnh 3D), cho phép người dùng đặt hình ảnh ảo 3D của các món đồ nội thất trong căn phòng của họ ở bất kỳ góc độ nào bằng cách sử dụng camera trên smartphone hoặc các thiết bị di động khác. Họ chỉ cần bật camera của smartphone lên và chĩa vào không gian của một căn phòng, sau đó mở tính năng View in My Room 3D để chọn hình ảnh 3D của một món đồ nội thất chẳng hạn như chiếc ghế sofa, rồi lấy tay rê nó đặt vào các góc khác nhau của căn phòng đang hiển thị trên màn hình điện thoại để xem nó có hợp với căn phòng hay không.

Nó cũng cho phép người dùng đặt nhiều vật dụng cùng một lúc vào căn phòng của họ để xem chúng có hài hòa với nhau hay không. Nền tảng Houzz đang có khoảng 300.000 hình ảnh 3D của các sản phẩm nội thất có thể hiện thị các dữ liệu về chất liệu, kết cấu và kích cỡ.

Kể từ khi công ty giới thiệu công cụ này vào năm ngoái, đã có hơn 2 triệu người sử dụng nó để ra các quyết định sửa sang lại và thiết kế căn nhà của họ. Những người này có khả năng mua các sản phẩm và vật liệu bán trên Houzz cao gấp 11 lần so với những người khác.

Chánh Tài

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.