|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều yếu tố khiến giá vàng nhẫn tăng vượt thời đại

21:45 | 10/04/2024
Chia sẻ
Giá vàng tăng "chóng mặt", liên tục thiết lập các mức giá kỷ lục mới từ đầu tuần, đặc biệt là vàng nhẫn. Giới chuyên gia đánh giá, nhiều yếu tố khiến giá mặt hàng này tăng cao, từ biến động trên thị trường thế giới đến tâm lý người dân trong nước.

Vàng nhẫn của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN).

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, thị trường vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang vàng nhẫn do người mua lo ngại giá vàng miếng SJC ở mức cao. Cùng với đó, thị trường vàng nhẫn không đủ nguồn nguyên liệu nên rơi vào tình cảnh khan hiếm dù không phải là thương hiệu độc quyền, dẫn đến ngày càng trở nên đắt đỏ. 

Đại diện trang giavang.net Trương Vi Tuấn chia sẻ, giá vàng trong nước không ngừng tăng cao trong thời gian qua do nhiều nguyên nhân, bao gồm ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, nhu cầu mua và đầu tư vào vàng tăng cao khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản chưa đem lại lợi nhuận mong đợi và lãi suất gửi tiết kiệm liên tục giảm sâu. Đồng thời, việc siết chặt nhập lậu vàng đã làm khan hiếm nguồn cung vàng nguyên liệu trong nước, góp phần đẩy giá vàng lên cao.

Hiện thị trường đang trông đợi vào việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

“Trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng cao và áp lực từ người tiêu dùng, việc đưa ra các giải pháp sửa đổi cụ thể được kỳ vọng sẽ giúp làm dịu đi tình hình và tạo ra sự ổn định cho thị trường vàng trong thời gian tới”, đại diện trang giavang.net nhấn mạnh.

Quan điểm của nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho rằng, để sửa đổi Nghị định 24 và giải quyết vấn đề thị trường vàng, giải pháp là cân đối ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu nhằm tăng cung cho thị trường, qua đó giảm chênh lệch giá quá lớn, nhất là đối với vàng miếng SJC.

Vị chuyên gia này cho hay: “Về lâu dài nên trả thị trường vàng về các nguyên tắc căn bản của thị trường, không phân biệt thương hiệu, giá cả hãy để cho cung cầu quyết định là lẽ đương nhiên, nhưng khi có cầu, cũng cần tạo cung. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo các cân đối vĩ mô, như dự trữ ngoại hối, như định hướng các cấu phần trong kim ngạch nhập khẩu”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3/2024 yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia...

Người dân xếp hàng dài chờ giao dịch tại cửa hàng Bảo Tín Minh Châu trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) chiều 10/4/2024. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN).

Trên thị trường, theo quan sát của phóng viên TTXVN, sức mua của người dân chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Hàng dài người vẫn xếp hàng chờ giao dịch tại các cửa hàng, đơn vị kinh doanh vàng uy tín trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội).

Bà Huỳnh Phương Vy, đại diện cửa hàng vàng Tín Nghĩa cho hay, thị trường gần như không có người bán vàng. Tuy người dân không đổ xô như các đợt tăng giá trước nhưng lại nhu cầu mua số lượng nhiều, cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn. Có thời điểm, cửa hàng rơi vào tình trạng hết hàng, khan hàng nên cửa hàng hiện mở bán tối đa 5 chỉ vàng với mỗi giao dịch, để bảo đảm người nào nào đến mua cũng có mang về.

Với lượng mua không ngừng tăng cao, nhiều cửa hàng, đơn vị kinh doanh vàng giới hạn mua tối đa 5 chỉ cho mỗi giao dịch. (Ảnh: Diệp Anh/TTXVN).

Trong phiên giao dịch hôm nay 10/4, giá vàng nhẫn lập đỉnh mới khi giá vàng miếng đảo chiều giảm. Tại thời điểm 17 giờ, giá vàng nhẫn đạt ngưỡng 76,98 - 78,85 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), trong khi giá vàng SJC rơi khỏi mức kỷ lục, xuống giao dịch mua vào - bán ra ở mức 81,8 - 83,8 triệu đồng/lượng.

Trước đó, giá vàng thế giới tiếp tục chạm mức kỷ lục trong phiên 9/4, nhờ hoạt động mua vào và các rủi ro địa chính trị, trong khi sự chú ý được hướng đến biên bản cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và số liệu lạm phát của nước này.

Giá vàng giao ngay tăng 0,3%, lên 2.346,57 USD/ounce vào lúc 1 giờ 6 phút sáng 10/4 (theo giờ Việt Nam), sau khi chạm mức kỷ lục 2.365,09 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ chốt phiên tăng 0,5%, lên 2.362,4 USD/ounce.

Chuyên gia chiến lược hàng hóa Soni Kumari của Ngân hàng ANZ cho biết, căng thẳng địa chính trị, các ngân hàng trung ương tại nhiều thị trường mới nổi đang đẩy mạnh dự trữ vàng để hạn chế rủi ro, đồng nội tệ Trung Quốc biến động và những rủi ro lạm phát đang hỗ trợ giá vàng hiện nay.

Về phía Hội đồng Vàng Thế giới cũng chỉ ra rằng, nhu cầu vàng trang sức và vàng thỏi cũng như vàng xu vẫn lớn.

Vàng được coi là nơi trú ẩn an toàn trước lạm phát và các rủi ro địa chính trị, nhưng lãi suất tăng có xu hướng làm giảm sức hấp dẫn của tài sản không sinh lời này. Hiện các thị trường cũng đang chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp tháng 3/2024 để đoán định về chính sách lãi suất.

Diệp Anh