Nhiều ý kiến đề nghị không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu
Hôm nay 7/6, Quốc hội thảo luận về xử lý nợ xấu | |
Không thu tiền sử dụng rừng cho các tổ chức kinh tế |
Vấn đề nợ xấu đã được đặt lên bàn nghị sự trong gần 10 năm qua dưới ba nhiệm kỳ thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với nhiều nghị định, thông tư. Thậm chí, trong 10 năm trở lại, có cả một tổ chức chuyên biệt (Công ty Quản lý Tài sản Của Các Tổ chức Tín dụng Việt Nam - VAMC) được thành lập để giải quyết nợ xấu.
Đề nghị không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu
Là một trong những đại biểu phát biểu đầu tiên, ĐB Phạm Phú Quốc (TP HCM) cho biết, giai đoạn 2012 -2016 toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 600.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, các tổ chức tín dụng (TCTD) xử lý được 55% và VAMC xử lý 44,6%.
"Cái được trong nợ xấu của nền kinh tế nước ta là có tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, bán được một ngân hàng thì rất khó vì nếu bán cho nước ngoài thì vướng trần room nhà đầu tư nước ngoài, bán cho các TCTD và doanh nghiệp trong nước thì nguồn lực nhỏ lẻ không đủ sức mua. Vì thế nếu bán từng món nợ xấu có tài sản đảm bảo để lành mạnh thị trường là bước đi cấp thiết.” – ĐB Phạm Phú Quốc phân tích" - "Vấn đề là phải tạo được thị trường mua bán nợ với sự than gia của các thành phần kinh tế và người dân".
Theo bản tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận của Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung nguyên tắc không sử dụng vốn NSNN, cần huy động các nguồn lực khác để xử lý nợ xấu và quy trách nhiệm cho các tổ chức, cá nhân gây ra nợ xấu.
Một số ý kiến khác đề nghị cân nhắc không nên bổ sung nguyên tắc này vì một số lý do. Việc bổ sung nguyên tắc này phù hợp với tình hình ngân sách hiện nay nhưng theo kinh nghiệm quốc tế thì rất cần bàn tay của nhà nước, dùng ngân sách xử lý nợ xấu, việc xử lý nợ xấu không có tiền thật sẽ rất khó. Khả năng các TCTD tự xử lý có giới hạn nên sẽ không khả thi nếu không dùng NSNN.
Bên cạnh đó, VAMC là doanh nghiệp do Nhà nước cấp vốn, nếu không có tiền thì VAMC không xử lý được nợ xấu; nợ xấu có liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước nên cần có trách nhiệm của Nhà nước trong xử lý nợ xấu dựa trên khả năng nguồn ngân sách Nhà nước; cần phân biệt rõ đối với nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ theo các chương trình dự án do Chính phủ chỉ định… thì phải sử dụng ngân sách để xử lý.
Trong thực tế vẫn phải sử dụng ngân sách một cách gián tiếp để xử lý nợ xấu, nên nếu quy định nguyên tắc không sử dụng ngân sách Nhà nước để xử lý nợ xấu thì không hợp lý - báo cáo phản ánh quan điểm của một số ĐB.
Về nguyên nhân của nợ xấu và trách nhiệm các bên, đa số ý kiến cho rằng, cần phải tránh lợi dụng nghị quyết để không xác định, xử lý trách nhiệm chủ quan gây ra nợ xấu, vi phạm pháp luật trong thời gian qua, cần làm rõ nguyên nhân gây ra nợ xấu và quy định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc gây ra nợ xấu, tránh việc lợi dụng ban hành Nghị quyết để biến nợ quá hạn thành nợ xấu.
Nhiều ý kiến cử tri đề nghị không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Ảnh: Thanhnien. |
Cần làm rõ trách nhiệm của từng giai đoạn để xử lý nợ xấu
Cũng trong phiên họp sáng 7/6, ĐB Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhận định, việc xử lý nợ xấu đã xử lý được phần nào nhưng vẫn là cục máu đông ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, doanh nghiệp. Hiện vốn của DN đều dựa vào ngân hàng là chính, việc xử lý nợ xấu là đặc biệt quan trọng và cấp thiết, rất khó khăn nhưng không thể kéo dài.
Đại biểu băn khoăn liệu tỷ lệ nợ xấu như báo cáo đã đúng chưa, đủ chưa hay vẫn còn giấu diếm, cần phải minh bạch để có biện pháp xử lý rõ ràng. Đặc biệt ở những ngân hàng lớn có vốn Nhà nước tỷ lệ nợ xấu rất nhỏ nhưng con số tuyệt đối lại rất lớn, bằng cả chục ngân hàng nhỏ cộng lại.
Phải nhận rõ TCTD nào có tỷ lệ nợ xấu cao nhất và con số tuyệt đối cao nhất để xử lý. Đồng thời cũng cần làm rõ trách nhiệm của từng giai đoạn để xử lý nợ xấu. ĐB cũng cho rằng cần phải làm rõ khái niệm nợ xấu, có quy định chặt chẽ, tránh lỗ hổng để dễ bị lợi dụng.
Phát biểu thảo luận về vấn đề xử lý nợ xấu, ĐB Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho rằng, nợ xấu có nguyên nhân từ khách quan lẫn chủ quan, liên quan đến nhiều chủ thể từ khách hàng tới ngân hàng, cơ quan quản lý, môi trường sản xuất… và cả nền kinh tế.
Trong đó, khách hàng là nguyên nhân trực tiếp, là chủ thể trực tiếp gây ra nợ xấu, đến hạn trả nợ mà không trả, khả năng trả nợ của chủ thể lại phụ thuộc nhiều vào kinh tế vĩ mô, vào môi trường kinh doanh, thậm chí là ý thức trả nợ.
Chính vì vậy, không nên coi nợ xấu là của ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm chính xử lý nợ xấu. Quan điểm này khiến việc xử lý nợ xấu chưa được đồng bộ, chưa có kết quả cao.
Đại biểu đề xuất, về phạm vi điều chỉnh của nghị quyết, có nhiều ý kiến rằng chỉ nên khoanh vùng đến 31/12/2016 để tránh bị lợi dụng chuyển nợ không xấu thành nợ xấu. Theo đại biểu điều này là không đáng ngại vì các quy định về nợ xấu rất chặt chẽ. Chẳng ai muốn nợ không xấu lại thành nợ xấu. Nợ xấu thì phải trích lập dự phòng rủi ro điều này sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng, nếu nợ xấu cao còn bị kiểm soát đặc biệt, nên các TCTD sẽ không có động lực chuyển nợ để hưởng ưu đãi. “Không ai muốn ốm để được uống sữa”, ĐB Giang so sánh.