Nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết rót vốn mạnh cho startup công nghệ Đông Nam Á bất chấp đại dịch
Hai công ty đầu tư mạo hiểm lớn ở Đông Nam Á đang đẩy mạnh hoạt động đầu tư cho hệ sinh thái công nghệ trong khu vực với niềm tin rằng những điều tuyệt vời nhất vẫn chưa đến, theo Nikkei.
Khi các startup thế hệ đầu đều rục rịch chuẩn bị kế hoạch IPO, các nhà đầu tư dường như đã sẵn sàng để "nuôi dưỡng" thế hệ startup tiếp theo.
Jungle Ventures, một trong những quỹ đầu tư lâu năm nhất Đông Nam Á, xác nhận với Nikkei rằng quỹ này vừa "chốt" 225 triệu USD cho quỹ đầu tư thứ 4 của mình, con số này gần tương đương với con số 240 triệu USD mà Jungle Ventures đã đạt được với quỹ thứ 3.
Các đối tác hiện tại bao gồm Temasek Holdings (Singapore), International Finance Corporation (World Bank) và "một số công ty gia đình lớn nhất trong khu vực" cũng đã tham gia vào vòng kêu gọi vốn lần này, theo ông Amit Anand, đối tác sáng lập của quỹ.
Ông Anand nói thêm rằng Jungle đang tìm kiếm cơ hội kêu gọi tổng cộng 350 triệu USD cho quỹ đầu tư. Theo một thông tin mà IFC, đối tác của quỹ công bố, quỹ thứ 4 của Jungle sẽ đầu tư vào khoảng từ 15 đến 20 công ty "giai đoạn đầu, tăng trưởng cao".
Jungle công bố đợt gọi vốn "khủng" trong bối cảnh quỹ 500 Startups của Mỹ quyết định đổi tên quỹ Đông Nam Á của mình thành 500 Startups Southeast Asia. Ông Vishal Harnal, đối tác điều hành 500 Startups Southeast Asia, cho biết việc đổi tên thương hiệu cho thấy "tính cam kết mạnh mẽ tiếp tục đầu tư và mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á".
Ông Vishal Harnal từ chối chia sẻ 500 Startups có kế hoạch ra mắt quỹ mới hay không song cho biết đang tích cực tuyển dụng và phát triển đội ngũ tại khu vực. Ông cho biết hiện tại 500 Startups chủ yếu tập trung vào Indonesia, Malaysia và Singapore. Việt Nam và Philippines sẽ là các thị trường tiếp theo mà nó hướng tới.
Nền kinh tế Internet Đông Nam Á đang tăng trưởng lên mốc 105 tỷ USD vào năm 2020 từ 32 tỷ USD của năm 2015, theo một báo cáo từ Google, Temasek và Bain & Co. Khu vực này cũng "sinh ra" nhiều startup "kỳ lân" với định giá trên 1 tỷ USD.
Dù vậy, "bất kể những gì chúng ta đang thấy hiện tại, những con số vẫn là rất nhỏ so với những gì sẽ tới trong 5 năm nữa", ông Anand nói. Đối tác sáng lập của Jungle Ventures tin rằng tổng giá trị vốn hoá của các công ty công nghệ Đông Nam Á đã thực hiện IPO sẽ vươn lên mốc 1 nghìn tỷ USD vào thời điểm năm 2025.
Đồng thời, ông cũng tự tin chia sẻ rằng theo tính toán của Jungle Ventures, nhiều công ty với định giá 30 tỷ USD – 40 tỷ USD đang được hình thành và một số trong đó nằm trong danh mục của quỹ này.
Tỷ lệ dân số trẻ, yêu công nghệ của Đông Nam Á tạo ra một cơ hội vàng cho mảng công nghệ khu vực phát triển. Trong năm 2020, Đông Nam Á có thêm 40 triệu người dùng Internet mới, con số này là cực kỳ ấn tượng so với con số 100 triệu người dùng Internet mới trong giai đoạn từ năm 2015 đến 2019.
Trong số tổng 583 triệu dân tại 6 quốc gia, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore và Indonesia, 70% hiện đã sử dụng các dịch vụ trực tuyến, theo báo cáo của Google.
Trong vài năm trở lại đây, việc nhiều startup công nghệ Đông Nam Á niêm yết thành công trên thị trường đại chúng cũng khiến các nhà đầu tư cảm thấy hào hứng.
Sea là một trong những ví dụ điển hình khi thực hiện niêm yết tại Mỹ vào năm 2017. Đến nay, giá cổ phiếu của công ty cao hơn gấp 22 lần so với giá cổ phiếu tại thời điểm IPO là 15 USD/cổ phiếu. Tháng 8 năm nay, sàn TMĐT Bukalapak niêm yết tại "sân nhà" Indonesia và trở thành đợt IPO lớn nhất trong lịch sử quốc gia này. Grab, sau khi sáp nhập với một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng (SPAC) ở định giá gần 40 tỷ USD, cũng sẽ niêm yết tại Mỹ trước thời điểm cuối năm nay.
Ông Harnal từ quỹ 500 Startups nhận định rằng đầu tư startup Đông Nam Á từng là khẩu vị của không nhiều nhà đầu tư, song hiện tại khu vực này "đã trở thành một khu vực không cần đến sự hỗ trợ nào". Ông cho biết quỹ 500 Startups "hào hứng với việc tiếp tục và đẩy mạnh hoạt động tại Đông Nam Á".
Đến nay, 500 Startups đã đầu tư vào khoảng 250 công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu thông qua quỹ dành riêng cho Đông Nam Á, bao gồm cả những cái tên như Grab hay Bukalapak. Con số này của quỹ Jungle Ventures là 35.
Sự hào hứng mà các nhà đầu tư dành cho Đông Nam Á được thể hiện trong thời điểm đại dịch COVID-19 vẫn gây ảnh hưởng nặng nề cho khu vực này. Cả hai nhà đầu tư mạo hiểm đều nói rằng đại dịch đã thúc đẩy quá trình số hoá của nền kinh tế.
Ông Anand tin rằng COVID-19 sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến startup trong trung hạn và dài hạn. "Tôi không thấy tâm lý quan ngại trong khẩu vị đầu tư với Đông Nam Á vì COVID-19", ông chia sẻ.
Ông Harnal của 500 Startups đồng ý với quan điểm này. "Về tổng thể, có thể sẽ có sự chững lại nhưng một số lĩnh vực lại tăng trưởng. Một trong số đó là công nghệ", ông nói.