Nhiều ông lớn nhìn vốn hóa bay hơi hàng tỷ USD trong tháng 7, riêng Masan bật tăng
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua một tháng 7 đầy biến động. VN-Index lập đỉnh lịch sử 1.420 điểm vào phiên 2/7 rồi lao xuống đáy ngắn hạn 1.243 điểm vào phiên 19/7. Đến cuối tháng, chỉ số đã hồi phục một phần lên 1.310 điểm, thấp hơn 7% so với đầu tháng.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng liên tục "lên thác xuống ghềnh". Tính chung trong cả tháng 7 vừa qua, vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hụt gần 366.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 16 tỷ USD. Trong đó, riêng sàn HOSE đã mất tới hơn 359.000 tỷ đồng.
Đa phần cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất thị trường đều đi xuống, trong đó có những mã ghi nhận giá trị niêm yết giảm trên 1 tỷ USD (hơn 23.000 tỷ đồng).
Nhóm ngân hàng có nhiều đại diện nhất. Ở khối quốc doanh, VCB của Vietcombank, CTG của VietinBank, BID của BIDV mất từ 1,1 đến 3 tỷ USD giá trị niêm yết. Khối thương mại cổ phần có VPB của VPBank, VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam và MBB của Ngân hàng Quân Đội.
Cổ phiếu ngân hàng là nhóm tăng mạnh trong nửa đầu năm nay và góp công đầu trong việc đưa VN-Index vượt 1.400 điểm. Khi thị trường điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng cũng là lực lượng đẩy xuống mạnh nhất.
Theo thống kê của Algo Platform, nhóm ngân hàng làm VN-Index mất 4,84% trong tháng 7 vừa qua, theo sau là bất động sản với thiệt hại 2,1%.
Hai cổ phiếu vốn hóa lớn nhất trong ngành BĐS là VIC của Vingroup và VHM của Vingroup mất lần lượt gần 40.000 và 32.000 tỷ đồng giá trị thị trường. Theo sau là NVL của Novaland, mất 25.100 tỷ đồng.
MSN của Tập đoàn Masan là điểm sáng hiếm hoi trong nhóm bluechip khi giá trị niêm yết tăng 26.700 tỷ, tương đương gần 1,2 tỷ USD, trong tháng 7.
Nhu cầu hàng tiêu dùng tăng cao trong đại dịch đã giúp Masan ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý II vừa qua.
Công ty con của Masan phụ trách vận hành chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+ là VCM đã có ba quý liên tiếp đạt EBITDA dương, cải thiện từ 0,2% trong quý IV/2020 lên 2% trong quý I năm nay và 2,2% trong quý II.
Biên EBITDA hợp nhất đạt 2,1%, tăng 8,48 điểm % so với cùng kỳ năm 2020 nhờ cải thiện biên lợi nhuận thương mại, tối ưu hóa chi phí vận hành cửa hàng và cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng.