Nhiều nhà máy nhiệt điện thử nghiệm dùng dăm gỗ, lực cầu nội địa có thể tăng mạnh
Báo cáo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) và Tổ chức Forest Trends cho biết sau khi tăng nóng vào năm 2022, xuất khẩu dăm gỗ 6 tháng đầu năm 2023 đã hạ nhiệt, chỉ đạt 6,1 triệu tấn, tương đương hơn 1 tỷ USD, giảm 19% về lượng và giảm 15% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Bình quân giá dăm gỗ xuất khẩu nửa đầu năm 2023 đạt 169 USD/tấn. Nếu tính riêng trong tháng 5 và tháng 6, giá xuất khẩu dăm gỗ giảm về mức hơn 140 USD/tấn, giảm gần hơn 30% so với mức giá đỉnh điểm vào tháng 9-10/2022.
Trước đó, giai đoạn 2013-2021, giá xuất khẩu dăm gỗ ổn định trong khoảng 130-140 USD/tấn (FOB Việt Nam). Tuy nhiên sang năm 2022, giá dăm gỗ tăng vọt hơn 40% lên mức 176 USD/tấn do cầu thế giới tăng, đặc biệt tại thị trường Trung Quốc.
Báo cáo cho biết Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường nhập khẩu dăm gỗ nhiều nhất của Việt Nam, chiếm gần 90% tổng lượng và giá trị xuất khẩu dăm gỗ của Việt Nam.
Trong đó, Trung Quốc thường chiếm khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu. Tuy nhiên nửa đầu năm nay, lực cầu từ thị trường Trung Quốc sụt giảm mạnh, còn thị trường Nhật Bản cũng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, kéo theo giá dăm gỗ giảm nhanh từ quý II.
Ngoài hai thị trường trên, Hàn Quốc và Indonesia cũng nhập lượng dăm gỗ tương đối lớn từ Việt Nam, lần lượt là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn thứ ba và thứ 4 của Việt Nam.
Ông Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends nhận định hiện dăm gỗ từ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc đang có dấu hiệu tăng trở lại, kể cả về lượng và giá xuất khẩu. Một số tín hiệu cho thấy cầu về dăm gỗ cho nguyên liệu đầu vào để sản xuất giấy tại Trung Quốc có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Đây sẽ tiếp tục là cơ hội cho các doanh nghiệp dăm của Việt Nam.
Ngoài ra, xuất khẩu dăm gỗ sang Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ không có nhiều biến động. Còn Indonesia được đánh giá là thị trường tiềm năng khi lượng xuất khẩu dăm gỗ vào thị trường này tăng đột biến.
Ở thị trường trong nước, hiện có một số nhà máy điện than đang thử nghiệm việc chuyển đổi một phần nguyên liệu hóa thạch sang dăm gỗ và viên nén. Do vậy, ông Tô Xuân Phúc cho rằng trong tương lai, cầu hai sản phẩm này tại thị trường nội địa có thể được hình thành và mở rộng, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về 0 cho tới năm 2050.
Chính phủ có thể tạo ra những cơ chế đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng than với mức phát thải cao chuyển đổi sang sử dụng nguồn nguyên liệu sạch hơn, bao gồm dăm gỗ và viên nén.
Khi dăm gỗ trở nên “đắt hàng”, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất dăm gỗ phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước sẽ có thể sẽ có cạnh tranh lớn, không chỉ giữa các doanh nghiệp dăm mà còn giữa các doanh nghiệp ngành dăm với các doanh nghiệp cùng sử dụng nguồn nguyên liệu đầu vào là gỗ rừng trồng, bao gồm viên nén, MDF và ván bóng.
Do vậy, ông Tô Xuân Phúc cho rằng cần có những nghiên cứu chi tiết về các khía cạnh cạnh tranh này nhằm cân bằng và ổn định nguồn nguyên liệu đầu vào cho mảng này.