Ngành gỗ đang tạo đáy?
Thị trường có dấu hiệu dần phục hồi
Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong quý II, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có xu hướng phục hồi so với quý trước, tuy nhiên so với cùng kỳ năm 2022 vẫn giảm đáng kể, đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,3% so với quý I, nhưng giảm 26,7% so với quý II/2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ quý II đạt 2,3 tỷ USD, tăng 26,6% so với quý I, nhưng giảm 24,7% so với quý II/2022. Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,13 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong nửa đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm do nhu cầu từ các thị trường chính như châu Mỹ và châu Âu giảm mạnh, bởi tác động của lạm phát khiến người tiêu dùng tại các khu vực này thắt chặt chi tiêu, giảm tiêu thụ sản phẩm từ gỗ.
Mặc dù tỷ trọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khu vực châu Mỹ có xu hướng giảm, nhưng châu Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực của ngành gỗ trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 3,4 tỷ USD, giảm 33,6% so với cùng kỳ năm 2022; tiếp đến là thị trường châu Á đạt 2,3 tỷ USD, giảm 15,8%.
Trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khu vực châu Á giảm, nhưng tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này tăng đáng kể, chiếm 37,6% tổng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 5,6 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Tiếp đến gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Đại Dương và châu Phi, nhưng trị giá xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng thấp.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp gỗ trong quý II dù vẫn thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ nhưng đã bắt đầu có tín hiệu so với quý I.
Điển hình như CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã TTF) ghi nhận doanh thu quý II đạt 388 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 17% so với quý I.
Doanh thu của CTCP Gỗ An Cường (ACG) cũng tăng mạnh 42% so với quý I và chỉ thấp hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, vẫn có một số công ty báo doanh thu quý II vẫn tiếp đà suy giảm như trường hợp của CTCP Gỗ Thuận An (Mã GTA). Trong quý II, doanh thu thuần của công ty đạt 51 tỷ đồng, giảm sâu 72% so với cùng kỳ và giảm 20% so với quý I.
Mức độ phục hồi lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp gỗ có sự phân hoá rõ rệt trong quý II. Theo đó, Gỗ Trường Thành lỗ sau thuế 30 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ lỗ 14 tỷ đồng. Kết quả này thậm chí đi lùi so với cả quý I khi công ty lãi 2 tỷ đồng.
Nguyên nhân đến từ biên lãi gộp trong quý II chỉ ở mức 5,4%, mức thấp nhất kể từ quý IV/2019 và thấp hơn nhiều so với con số của quý I/2023 và quý II/2022 lần lượt là 21,7% và 13%. Ngoài ra, doanh thu giảm so với cùng kỳ năm ngoái cũng góp phần khiến công ty lỗ sau thuế.
CTCP Hợp tác Kinh tế và Xuất nhập khẩu Savimex (Mã SAV) báo lợi nhuận sau thuế trong quý II vỏn vẹn 3 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ và thấp hơn 46% so với quý I.
Trong khi đó, một số công ty ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với quý I. Điển hình như lợi nhuận sau thuế của Gỗ An Cường quý II tăng gấp 3 lần so với quý I lên 109 tỷ đồng. Mặc dù vậy con số này vẫn thấp hơn 32% so với quý II/2022.
Tồn kho các doanh nghiệp của các doanh nghiệp tính đến cuối quý II cũng bắt đầu giảm so với đầu năm. Trong đó, tồn kho của Gỗ Thuận An giảm mạnh 45%.
Thị trường đang dần tạo đáy?
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong nửa cuối năm 2023 vẫn chưa được cải thiện nhiều, khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, dù có dấu hiệu phục hồi nhưng chậm và không đồng đều ở các quốc gia, nhu cầu tiêu dùng vì thế cũng phục hồi chậm.
Tuy nhiên, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có tín hiệu khả quan hơn vào nửa cuối năm 2023, do tồn kho hàng hoá tại các khu vực lớn như châu Mỹ, đặc biệt là tại thị trường Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua và các nhà nhập khẩu đang có dấu hiệu đặt hàng trở lại. Xuất khẩu vào thị trường này tăng sẽ góp phần thúc đẩy ngành gỗ phục hồi trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp Hội Gỗ Và Lâm Sản Việt Nam cho rằng từ nay đến cuối năm các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn về đơn hàng, đặc biệt là thị trường Mỹ khi ngành bất động sản vẫn giảm sút sâu, trong khi sản phẩm gỗ ăn theo ngành bất động sản.
“Chúng tôi hy vọng rằng mọi khó khăn qua đi. Hiện các doanh nghiệp đang rất thiếu đơn hàng và đang phải hoạt động cầm chừng để chờ đợi thị trường phục hồi. Thời gian qua, các doanh nghiệp chấp nhận làm đơn hàng nhỏ lẻ dù lợi nhuận không nhiều. Ngoài ra, các doanh nghiệp cố gắng tìm thị trường ngách như Dubai, Đức…và cả thị trường trong nước để có đơn hàng”, ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng ngành gỗ đang có dấu hiệu gần chạm đáy sau thời gian dài giảm sâu do ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới đi xuống.
“Chúng tôi chưa biết ngành gỗ sẽ đi ngang ở vùng đáy bao lâu nhưng rất hy vọng thị trường lấy lại đà tăng trưởng. Trong hơn 20 năm qua, doanh nghiệp Việt Nam đã chứng minh được sức cạnh tranh của mình, sản phẩm chiếm được niềm tin nhiều thị trường lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ. Không dễ gì các quốc gia khác có thể làm cùng sản phẩm với giá cạnh tranh như Việt Nam”, ông nói.
Theo ông về lâu dài, ngành gỗ cần tăng trưởng theo cả chiều sâu thay vì chiều rộng như hiện nay vì giá nhân công không còn rẻ, các thị trường cùng ngày càng khó tính hơn để hưởng lợi nhuận nhiều hơn, tránh tình trạng các doanh nghiệp làm rất nhiều nhưng thu về không được bao nhiêu.