Nhiều người dân đến trạm BOT Sông Phan - Bình Thuận phản đối giá vé
Cần Thơ đề nghị Bộ Giao thông miễn giảm phí tại BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp | |
Bộ Giao thông Vận tải chưa trình được phương án giải quyết cho trạm BOT Cai Lậy |
Khi PV Thanh Niên có mặt tại Trạm thu phí Sông Phan (QL1, H.Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) có khoảng 20 ô tô đang đậu ngăn nắp trên bãi đất trống ngay cạnh trạm thu phí. Những người này vào Trạm thu phí BOT Sông Phan (do Công ty 319 Bộ Quốc phòng làm chủ đầu tư) gặp Giám đốc Công ty BOT Sông Phan là ông Nguyễn Thanh Quang để chất vấn.
Thu phí bất hợp lý nên dân bức xúc
Tại cuộc gặp, những người dân cho biết hằng ngày họ phải nộp một khoản phí qua trạm một cách vô lý. Anh Lê Công Hoàng Vũ, nhà ở xã Hàm Minh (sát trạm thu phí - PV) cho biết mỗi ngày anh qua lại trạm BOT Sông Phan để đưa, đón hai đứa con đi học ít nhất 6 đến 8 vòng xe. Và mỗi lần qua trạm, anh phải đóng phí 35.000 đồng. Có những ngày đi Phan Thiết nữa thì anh Vũ phải chi khoảng 400.000 đồng/ngày.
Theo anh Vũ, trạm thu phí không xét giảm phí cho anh là quá vô lý. Cũng theo anh Vũ, trước đây Trạm thu phí Sông Phan Thuộc Công ty BOT cầu Đồng Nai, dù một năm chỉ đi qua cầu Đồng Nai vài lần nhưng anh phải đóng tiền phí vô lý như vậy trong nhiều năm. Nay trạm thu phí này đã chuyển sang cho Công ty 319 khi công ty này trúng thầu dự án cải tạo và nâng cấp đoạn QL1 qua Hàm Thuận Nam, gia đình anh lại tốn không biết bao nhiêu tiền phí vô lý nhưng không biết kêu ai.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Ngà, một chủ doanh nghiệp ở xã Hàm Minh trình bày mỗi năm, với gần 20 ô tô, chủ yếu là xe tải và container của bà phải chi ít nhất 80 triệu đồng tiền phí qua trạm.
Chị Lê Thị Phượng trình bày chồng chị chỉ có một chiếc xe tải nhỏ chở thuê thanh long. “Có khi một chuyến hàng chỉ kiếm 400.000 đồng, nhưng qua lại hai vòng đã kết 140.000 tiền qua trạm rồi, lấy gì mà ăn nữa”, chị Phượng bức xúc.
Trả lời Thanh Niên trưa cùng ngày, Phó giám đốc Sở GTVT Bình Thuận Nguyễn Quốc Nam cho biết Sở GTVT Bình Thuận cũng đã tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi Tổng cục đường bộ Việt Nam đề nghị giảm giá cho bà con ở sát hai bên trạm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
“Những bức xúc và yêu cầu của bà con là có cơ sở. Chúng tôi kiến nghị chủ đầu tư trạm thu phí này cái nào áp dụng được thì áp dụng ngay cho bà con bớt thiệt thòi", ông Nam nói.
Theo công văn số 28, vừa ký ngày 5.1.2018 của Tổng Công ty 319 gửi Tổng cục đường bộ Việt Nam thì sẽ có 2 phương án giảm giá. Phương án 1 là 100% xe không kinh doanh của hai xã sát trạm là xã Hàm Minh và Hàm Cường và 50% xe khác được giảm theo mức: loại 1 giảm còn 30.000; loại 2 giảm còn 45.000 đồng và loại 3 còn 65.000 đồng.
Phương án 2 chỉ có 50% xe không kinh doanh và 25% xe khác được giảm giá và chỉ loại 1 được giảm xuống còn 30.000 (thay vì 35.000); các loại khác giữ nguyên giá.
Công văn này cho rằng phương án 1 thu phí tới hơn 25 năm, do vậy không đảm bảo phương án tài chính của dự án. Phương án 2 có thời gian thu nhỏ hơn 25 năm, nên phù hợp.
Trạm thu phí BOT Sông Phan hiện nay thu phí cho chủ đầu tư trong dự án cải tạo và nâng cấp QL1 Đồng Nai - Bình Thuận, đoạn từ Km 1720+800 đến Km 1841+00.