Nhiều doanh nghiệp lớn chia tách cổ phiếu nhưng vì sao Warren Buffett nhất quyết từ chối?
Lợi ích của chia tách cổ phiếu
Chia tách cổ phiếu là chuyện thường thấy trên thị trường chứng khoán. Hầu như mọi công ty có vốn hóa siêu lớn đều từng làm việc này ít nhất một lần.
Apple, công ty lớn thứ ba trên thế giới xét theo vốn hóa, đã chia tách cổ phiếu tổng cộng 5 lần - lần cuối cùng vào năm 2020. Tính theo giá trị tích lũy, một cổ phiếu Apple trong ngày đầu phát hành đã được chia thành 168 phần.
Các công ty công nghệ vốn hóa siêu lớn như Amazon, Alphabet và Tesla từng đồng loạt chia tách cổ phiếu trong năm 2022.
Gần đây hơn, hãng bán dẫn lớn nhất thế giới Nvidia cũng thông báo sẽ chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 10:1. Cổ phiếu Nvidia sẽ bắt đầu giao dịch trên cơ sở điều chỉnh theo tỷ lệ chia tách khi thị trường mở cửa vào ngày 10/6/2024.
Động lực chính để doanh nghiệp chia tách cổ phiếu là giúp giá cổ phiếu trở nên phải chăng hơn với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Trong trường hợp của Alphatbet và Amazon năm 2022, trước khi chia tách thì cả hai cổ phiếu đều có giá giao dịch trên 1.000 USD, theo tờ Yahoo Finance. Và cả hai đều chia tách cổ phiếu theo tỷ lệ 20:1, tức là khiến giá mỗi cổ phiếu giảm 20 lần xuống khoảng 50 USD.
Đây rõ ràng là mức giá dễ tiếp cận hơn nhiều đối với các nhà đầu tư. Ngoài ra, việc chia tách cổ phiếu cũng làm tăng tính thanh khoản, tạo nên môi trường giao dịch lành mạnh hơn.
- TIN LIÊN QUAN
-
Elon Musk vượt mặt Mark Zuckerberg: Khi tiền lẻ có giá hơn tiền chẵn 01/09/2020 - 13:40
Nhà đầu tư cũng có xu hướng phản ứng tích cực đối với kế hoạch chia tách cổ phiếu của doanh nghiệp.
Ông Sam Stovall, Giám đốc đầu tư tại CFRA, giải thích: “Mọi người sẵn lòng mua 16 cổ phiếu có giá 20 USD/cp hơn là 4 cổ phiếu giá 80 USD/cp, dù trên thực tế số tiền họ bỏ ra là như nhau. Đó là bản chất con người”.
Việc chia tách cổ phiếu cũng thường được đoanh nghiệp thông báo cùng lúc họ báo cáo kết quả kinh doanh mạnh mẽ, giống trường hợp của Nvidia. Động thái này có thể báo hiệu rằng ban lãnh đạo doanh nghiệp tin vào triển vọng tương lai.
Ông Stovall giải thích: “Thông qua việc chia tách cổ phiếu, doanh nghiệp gửi đi hai thông điệp tới thị trường. Thứ nhất, họ muốn các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào đà tăng giá cổ phiếu. Thứ hai, họ tự tin rằng lợi nhuận tương lai sẽ giữ cho giá cổ phiếu ở mức cao ngất ngưởng”.
Warren Buffett muốn giữ giá cao
Ban lãnh đạo các công ty đại chúng Mỹ có thể thấy không thoải mái khi chứng kiến cổ phiếu của họ vượt mốc 1.000 USD, nhưng huyền thoại Warren Buffett thì ngược lại. Giá mỗi cổ phiếu hạng A của Berkshire Hathaway đang chễm chệ ở mức trên 630.000 USD/cp.
Berkshire Hathaway hạng A là cổ phiếu đắt giá nhất trên thị trường chứng khoán Mỹ. Do đó, các cổ đông thường xuyên yêu cầu Warren Buffet chia tách cổ phiếu. Để so sánh, cổ phiếu đắt thứ hai và thứ ba trên thị trường Mỹ là NVR và Booking Holdings có giá lần lượt vào khoảng 7.300 USD và 3.700 USD/cp.
Tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshire năm 1995, Buffett thừa nhận rằng giá cổ phiếu cao - khi đó vào khoảng 25.000 USD/cp - có thể “gây khó xử hay bất lợi với nhà đầu tư”, đặc biệt là khi đem tặng. Nhưng nhà hiền triết xứ Omaha dựng lên rào cản đó một cách có chủ đích.
Ông giải thích: “Chúng tôi muốn thu hút các cổ đông có định hướng và thời hạn đầu tư lâu dài giống chúng tôi nhất có thể. Nếu chia tách và hạ giá cổ phiếu, Berkshire sẽ có nhóm cổ đông với trình độ và mục tiêu rất khác biệt so với hiện nay”.
Theo nhà đầu tư huyền thoại, việc từ chối chia tách cổ phiếu đã giúp giá trị của Berkshire tăng trưởng mạnh mẽ qua các năm.
Tuy nhiên, Buffett cũng không hoàn toàn phản đối các cuộc chia tách cổ phiếu. Ông tạo ra cổ phiếu hạng B của Berkshire vào năm 1996 như một lựa chọn dễ tiếp cận hơn dành cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Vào năm 2010, cổ phiếu hạng B của Berkshire được chia tách với tỷ lệ đáng kinh ngạc là 50:1, mức giá vào thời điểm đó là 70,7 USD/cp. Giá cổ phiếu Berkshire hạng B hiện tại là 414,8 USD/cp.
Song, với cổ phiếu hạng A của Berkshire, Warren Buffett không hề có ý định làm vậy. Tờ CNBC cho biết ông thường đùa với bạn bè: “Mong mọi người sống cho đến khi Berkshire chia tách cổ phiếu hạng A”.