Nhiều địa phương mở cửa, khôi phục du lịch trong bối cảnh 'sống chung với COVID-19'
Tại miền Bắc, bắt đầu từ ngày 1/10, Hải Phòng cho phép mở lại các khu, điểm du lịch, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, phục vụ khách nội tỉnh. Cơ sở lưu trú được tổ chức ăn uống tại chỗ nhưng chỉ phục vụ khách đang lưu trú.
Nhiều khu du lịch tại Bắc Giang cũng bắt đầu mở cửa trở lại, phục vụ khách nội tỉnh từ ngày 30/9. Các khu du lịch được mở cửa gồm khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), khu du lịch cộng đồng bản Ven (xã Xuân Lương, Yên Thế). Trước đó từ ngày 12/9, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam) và các sân golf trên địa bàn tỉnh cũng đã hoạt động trở lại.
Quảng Ninh: Từ 21/9, tỉnh đã cho phép mở lại một số điểm tham quan như Vịnh Hạ Long, khu di tích Yên Tử, khu du lịch Bãi Cháy, khu du lịch Trà Cổ... và chỉ phục vụ khách nội tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng thí điểm đón khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" tại sân bay Vân Đồn trong thời gian tới.
Nhiều địa phương khác như Vĩnh Phúc, Thanh Hóa cũng đã cho phép hoạt động du lịch trở lại đón khách nội tỉnh. Một số khu nghỉ dưỡng ở Sa Pa (Lào Cai) và Hòa Bình đón khách ở vùng xanh có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2.
Trong khi đó tại Hà Nội, người dân Thủ đô có thể đến các địa điểm vui chơi ngoài trởi hay khu cắm trại tại Sóc Sơn, Đồng Mô,... với điều kiện đảm bảo không tập trung quá 10 người. Hiện các khu lưu trú, điểm vui chơi giải trí lớn vẫn chưa được phép hoạt động.
Tại miền Trung, Khánh Hòa tổ chức đón khách nội tỉnh có thẻ xanh hoặc thẻ vàng đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ ở khu vực biệt lập từ ngày 1-15/10. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ với điều kiện đã đăng ký và được cấp thẩm quyền cho phép.
Từ 16/10 đến 15/11, tiếp tục tổ chức đón khách trong nước đã tiêm chủng, được phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng phải đảm bảo an toàn, người ở vùng xanh được tắm biển ở vùng xanh nhưng không tập trung quá 5 người.
Mới đây, tỉnh Khánh Hòa cũng đã xin phép về việc được đón khách du lịch quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" từ tháng 11/2021.
UBND tỉnh này cho biết, giai đoạn 1 (từ tháng 11 đến hết ngày 31/12/2021) tỉnh sẽ sử dụng các khu nghỉ dưỡng ở Khu du lịch Bắc Bán đảo Cam Ranh (khu Bãi Dài) để đón khách.
Khách quốc tế có "hộ chiếu vắc xin" đến Khánh Hòa sẽ đi theo các chương trình khép kín, có sự giám sát chặt chẽ của các công ty lữ hành cũng như các cơ quan chức năng.
Giai đoạn 2 (từ 1/1 đến 31/3/2022) sẽ mở rộng ra khu nghỉ dưỡng của Vinpearl ở đảo Hòn Tre, khu nghỉ dưỡng Merperle Hòn Tằm, Champa Island… và các khu du lịch có tính biệt lập khác.
Thừa Thiên Huế: Cũng từ 1/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ mở cửa phục vụ du khách tại các điểm di tích: Đại Nội, lăng vua Minh Mạng, lăng vua Tự Đức và lăng vua Khải Định. Trung tâm chỉ phục vụ tham quan khu vực ngoài trời, không tham quan tại nội thất các cung điện. Tỉnh cũng cho phép nhà hàng, quán cà phê mở cửa sau 22h với công suất không quá 50%.
Bắt đầu từ tháng 10, tỉnh Quảng Bình cho phép doanh nghiệp đón khách nội đến lưu trú và tham gia trải nghiệm theo tour khép kín, có hướng dẫn, không tự do hoạt động bên ngoài. Các cơ sở được phép phục vụ khách có thẻ xanh và thẻ vàng COVID-19 được cấp từ hệ thống cơ sở dữ liệu điện tử, khách có thẻ vàng phải kèm kết quả test nhanh âm tính SARS-CoV-2.
Trong khi đó, từ ngày 0h ngày 30/9, Đà Nẵng cho phép cơ sở lưu trú được đón khách trở lại nhưng không quá 30% công suất hiện có; trường hợp đón khách đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh thì được đón không quá 50% số phòng.
Người dân và du khách được tắm biển từ 4h30 đến 6h30 sáng hàng ngày và phải rời đi ngay, không được tắm nước ngọt hay tụ tập, vui chơi thể thao trên bãi biển.
Tại Lâm Đồng, hiện UBND tỉnh đã mở lại các dịch vụ liên quan đến du lịch, nhà hàng ăn uống. Khách nội tỉnh được đến các điểm tham quan các điểm du lịch, cơ sở lưu trú từ 2 sao trở lên, mỗi phòng tối đa hai khách, công suất không quá 50%.
Các quán ăn uống, kể cả quán vỉa hè phục vụ cùng lúc không quá 50% số người so với ngày thường, chỉ được bố trí tối đa 50% số bàn ghế.
Tại miền Nam, từ ngày 1/10, TP HCM chính thức chuyển sang trạng thái "bình thường mới. Khách du lịch tại đây cũng được đến các cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch trên địa bàn.
Nhà hàng bên trong các cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, điểm tham quan du lịch được phục vụ ăn uống tại chỗ cho khách lưu trú nhưng không tổ chức buffet; các dịch vụ khách được hoạt động không quá 50% công suất kèm theo đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch.
Huyện Cần Giờ và Củ Chi là hai địa bàn đầu tiên kiểm soát được dịch và đã tổ chức thành công hai tour khéo kín đầu tiên, tạo tiền đề triển khai các tour tiếp theo trong thời gian tới.
Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã cho phép 4 khách sạn thí điểm đón khách gồm: Melia Hồ Tràm Resort, Minera Bình Châu Hot Springs, The Grand Hồ Tràm Strip (huyện Xuyên Mộc) và Six Senses Côn Đảo Resort (huyện Côn Đảo) theo hình thức tổ chức phục vụ khép kín tại cơ sở đó, không ra khỏi khuôn viên.
Từ ngày 30/9, tỉnh Kiên Giang cho phép TP Phú Quốc và TP Hà Tiên mở lại các cơ sở du lịch, giải trí có điều kiện. Trong đó, TP Phú Quốc được nới lỏng hơn.
Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ như buôn bán, bán lẻ, nhà hàng, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh ăn uống, cà phê; khu di tích, danh lam thắng cảnh, khu vui chơi giải trí như: Casino, VinWonders, Grandworld, Safari Phú Quốc, cáp treo… được phép hoạt động nhưng thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo quy định của các địa phương mở cửa du dịch, đối với khách du lịch và nhân viên trực tiếp hướng dẫn, phục vụ khách đều phải đảm bảo các điều kiện: Đã tiêm đủ hai mũi vắc xin COVID-19, có giấy chứng nhận là F0 đã khỏi bệnh hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/9, khách quốc tế đến Việt Nam trong quý III đạt 26.300 lượt người (giảm 40,3% so với cùng kỳ năm trước). Về du lịch nội địa, giá vé máy bay giảm 20,91% so với cùng kỳ năm trước; giá du lịch trọn gói giảm 2,69%.
Nguyên nhân là do Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, chưa mở cửa du lịch quốc tế nên lượng khách đến chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam.
Tính chung 9 tháng năm 2021, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 114.500 lượt người, giảm 97% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không giảm 97,5%; bằng đường bộ giảm 93,4%; bằng đường biển giảm 99,7%...
Bên cạnh đó, nhiều địa phương có doanh thu du lịch lữ hành 9 tháng năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Quảng Ninh giảm 31,5%; Đà Nẵng giảm 42%; Cần Thơ giảm 45,3%; Hà Nội giảm 55,4%; Hải Phòng giảm 55,7%; TP HCM giảm 56,2%; Thừa Thiên - Huế giảm 63,1%; Bình Dương giảm 67,8%; Quảng Nam giảm 82,4%; Khánh Hòa giảm 89,5%.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/