|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Khách du lịch đến Hà Nội tăng 27%, Quảng Ninh, TP HCM, Kiên Giang đều tăng trưởng tốt

15:24 | 15/11/2023
Chia sẻ
Báo cáo tại Hội nghị với Thủ tướng Chính phủ sáng 15/11, đại diện các địa phương đều cho biết du lịch năm nay có sự tăng trưởng tốt so với năm ngoái song vẫn chưa đạt được mức như thời kỳ trước dịch.

Thông tin tạiHội nghị phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững sáng 15/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết du lịch Hà Nội đã có sự phục hồi, phát triển, bước đầu đạt được nhiều kết quả khả quan.

Năm 2023, dự báo tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 24 triệu lượt khách, tăng 27% so với năm 2022. Con số này bằng 82,7% so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19. Trong đó có 4 triệu lượt khách quốc tế, tăng 138,1% so với năm 2022, bằng 57% so với năm 2019.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh thì cho biết dự kiến năm nay Quảng Ninh đón được khoảng 15,5 triệu khách, trong đó có hai triệu khách quốc tế. Năm 2024, dự kiến Quảng Ninh sẽ đặt mục tiêu đón 16,5 - 17 triệu lượt khách, trong đó có ba triệu lượt khách quốc tế.

Các địa phương khác cũng hồi phục du lịch trở lại như TP HCM đón được khoảng 4,1 triệu khách quốc tế trong 10 tháng đầu năm, đạt 82% so với kế hoạch năm 2023, khách du lịch nội địa đạt hơn 30 triệu khách, tương đương 87% kế hoạch năm; doanh thu du lịch đạt trên 140 nghìn tỷ đồng, vượt 16,7% so với kế hoạch năm 2023.

Du lịch Kiên Giang cũng đạt mức tăng trưởng cao so với kế hoạch, đó là điểm sáng và có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Từ cuối tháng 10 đến nay, lượng khách du lịch có sự tăng mạnh trở lại, nhất là khách quốc tế.

Từ đây đến cuối năm, sẽ đón tiếp 3 chuyến bay của khách Ấn Độ tổ chức đám cưới tại Phú Quốc. Năm 2023 Kiên Giang đón trên 8,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đón trên 573.000 lượt khách, tăng hơn hai lần so với cùng kỳ. Tổng thu từ du lịch ước đạt 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 65,1% so với cùng kỳ.

Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, UBND TP Hà Nội kiến nghị Chính phủ sớm phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn năm 2045.

Trong đó xem xét đưa vào định hướng khu du lịch quốc gia ba địa điểm tiềm năng của Hà Nội gồm: Khu du lịch quốc gia Ba Vì, Làng du lịch văn hoá dân tộc Việt Nam - Đồng Mô, Khu du lịch Hương Sơn (chùa Hương). Đây là 3 khu du lịch rất cần tiếp tục phát triển và thu hút đối tác đầu tư.

Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tham mưu và ban hành các cơ chế chính sách về hỗ trợ từ nguồn NSNN cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch tại một số khu du lịch trọng điểm. Qua đó tạo hành lang pháp lý rõ ràng để chúng tôi có căn cứ chủ động xây dựng, ban hành Nghị quyết về cơ chế chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển hạ tầng du lịch.

Đối với Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), TP. Hà Nội có hai kiến nghị: Thứ nhất, đề nghị Bộ VHTT&DL quan tâm nghiên cứu chính sách hỗ trợ kinh tế, thủ tục giúp các doanh nghiệp lữ hành tham gia các sự kiện hội chợ du lịch trong nước và quốc tế để có cơ hội tiếp cận các đối tác tiềm năng.

Thứ hai, Bộ VHTT&DL quan tâm, xây dựng một đề án tổng thể về xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam tại thị trường quốc tế, trong đó Bộ VHTT&DL là đơn vị chủ trì. "Những năm vừa qua TP. Hà Nội cũng có hợp tác với CNN, tuy nhiên chúng tôi thấy việc này Bộ VHTT&DL triển khai toàn quốc sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn", Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết.

Đại diện tỉnh Quảng Ninh cũng kiến nghị Bộ VHTT&DL cần có cuộc làm việc hàng năm với các địa phương, bộ ngành để định vị, phân tích cho các địa phương biết kế hoạch năm tới, các năm tiếp theo, thị trường khách quốc tế và trong nước cần có định hướng gì; tránh sự chồng chéo, các tỉnh/thành phố đầu tàu cần định hướng mạnh mẽ hơn nữa cho các địa phương trong chuỗi liên kết.

Bên cạnh đó, rà soát lại quy định đã có, sửa đổi, bổ sung nếu cần thiết, để tạo điều kiện nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp.

Hạ An

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.