|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

ĐBQH: Dự thảo Luật Đất đai ứng xử với các dự án du lịch chưa thỏa đáng

19:37 | 03/11/2023
Chia sẻ
Đại biểu Quốc hội cho rằng Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tổng cộng 16 chương, 265 điều với 226 trang giấy, nhưng trong đó chỉ có 11 từ "du lịch".

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam. (Ảnh: quochoi.vn).

Điều 79 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, nhưng không có các dự án phát triển du lịch, vui chơi, giải trí. 

Do đó, dự án du lịch, vui chơi, giải trí không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tại điểm b khoản 1 Điều 126 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất không đấu giá quyền sử dụng đất, không đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất tại khoản 2, khoản 3 Điều 125 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Đây cũng là vấn đề được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra ngày 3/11. 

Theo đó, Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá - Giáo dục (Đoàn Quảng Nam) cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có tổng cộng 16 chương, 265 điều với 226 trang giấy, nhưng trong đó chỉ có 11 từ "du lịch", trong đó chỉ có hai từ "du lịch" là dành cho ngành du lịch, còn 9 từ dành cho việc giải quyết vấn đề sửa luật Lâm nghiệp. Ông Hạ cho rằng việc ứng xử với ngành kinh tế mũi nhọn đang được kỳ vọng rất nhiều như vậy là chưa thỏa đáng.

"Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị nêu rất rõ việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược để phát triển kinh tế đất nước, là động lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Khoản 2 Điều 5 Luật Du lịch năm 2017 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch được hưởng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất khi Nhà nước ban hành, áp dụng các chính sách về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư.

Ngoài ra, Điều 9 Khoản 4 của luật này cũng nêu Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hình thành khu dịch vụ du lịch phức hợp, có quy mô lớn; hệ thống cửa hàng miễn thuế, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch", ông Hạ cho hay.

Do đó, Đại biểu đề nghị phải đưa đất phát triển khu du lịch dịch vụ vào trong trường hợp phải được thu hồi đất tại Điều 79 của Dự thảo Luật. 

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) cũng đề xuất Nhà nước thu hồi, phát triển quỹ đất để đầu tư hạ tầng cho ngành du lịch.

Theo ông Phương, khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hiện chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng và tài nguyên du lịch. Trong khi đó các lĩnh vực khác được hỗ trợ tiếp cận đất đai để thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc Nhà nước thu hồi đất. 

Theo ông Phương, việc không quy định Nhà nước thu hồi đất phát triển du lịch sẽ tạo ra sự bất bình đẳng với thành phần kinh tế khác trong tiếp cận đất đai. Cùng với đó, việc giao cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dự án nhà ở thương mại hoặc khu đô thị mới kết hợp với kinh doanh, thương mại, du lịch, dịch vụ, khu giải trí, vui chơi, tổ hợp đa năng thường được coi là dự án trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương...

Công Tâm