Đề xuất mở rộng các quyền về đất đai cho người có quốc tịch Việt Nam định cư ở nước ngoài
Ngày 3/11, Quốc hội thảo luận dự án luật Đất đai sửa đổi, trong đó có vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ sử dụng đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Theo đó, Thường vụ Quốc hội đã xây dựng hai phương án về nội dung này.
Phương án 1: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, là công dân Việt Nam có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai như công dân ở trong nước. Chính sách đối với người gốc Việt nhưng không có quốc tịch Việt Nam giữ nguyên như hiện hành (chỉ sở hữu nhà gắn liền với đất).
Theo hướng này, cần rà soát quy định có liên quan đến quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài tại các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, quy trình, thủ tục xác nhận công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài…
Phương án 2: Giữ như quy định của pháp luật hiện hành, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam có các quyền như người Việt Nam định cư ở nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam (người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài).
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Đại biểu Trần Thị Vân (Bắc Ninh) đồng tình phương án 1. Đại biểu cho biết, hiện cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có khoảng 5,3 triệu, đang sinh sống và làm việc tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Lượng kiều hối do kiều bào chuyển về nước từ năm 1993 đến 2022 ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương 80% nguồn vốn FDI và gấp 1,7 lần vốn ODA đã giải ngân, chiếm hơn 5% GDP và bằng 29% dự trữ ngoại tệ quốc gia.
Do đó, Đại biểu đồng ý với quy định như phương án 1 giúp thu hút lượng kiều hối và thúc đẩy kiều bào đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) đồng tình với quan điểm của Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, quy định như phương án 1 của dự thảo sẽ đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của kiều bào; đồng thời thu hút kiều bào ủng hộ đầu tư về quê hương, góp phần khơi thông nguồn lực cho phát triển kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, nếu quy định như dự thảo luật, đại biểu băn khoăn, bởi theo quy định tại khoản 4 Điều 3 của Luật Quốc tịch, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bao gồm: Người có quốc tịch Việt Nam và người Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam đang cư trú sinh sống lâu dài ở nước ngoài.
Như vậy, quy định như trên vẫn có hai đối tượng về người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đại biểu cho rằng, nếu chúng ta quy định chung chung về quyền và nghĩa vụ đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo Phương án 1 tại Điều 44 trong dự thảo luật là chưa thật sự đầy đủ và cũng chưa thật sự tạo sự công bằng.
Đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) cũng đồng tình với Phương án 1 như Chính phủ trình, đó là sửa thành “Cá nhân là công dân Việt Nam”. Bởi theo khoản 1, Điều 5 Luật Quốc tịch có quy định: Người có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam. Do vậy, dù ở trong nước, hay ở nước ngoài, người có quốc tịch Việt Nam vẫn là công dân Việt Nam, họ vẫn có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đầy đủ của một Công dân Việt Nam.
“Hơn nữa, ngoài lí do là thúc đẩy tăng trưởng và thu hút kiều hối, việc mở rộng đối tượng này còn có thể thu hút được chất xám và đội ngũ trí thức, chuyên gia, nhà khoa học là công dân việt nam định cư ở nước ngoài. Họ luôn luôn hướng về Việt Nam, mong muốn cống hiến cho quê hương. Do vậy việc lựa chọn Phương án 1 mở rộng đối tượng này thành Công dân Việt Nam tại khoản 3 Điều 4 để họ có đầy đủ các quyền liên quan đến đất đai là thực sự phù hợp”, đại biểu Lưu Bá Mạc nêu ý kiến.
Trong khi đó, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, với người có quốc tịch Việt Nam ở nước ngoài thì vẫn có quyền lợi như người quốc tịch Việt Nam ở Việt Nam, còn các trường hợp khác thì không được. Cụ thể, Đại biểu không đồng tình với việc người gốc Việt Nam, không có quốc tịch Việt Nam nhưng được hưởng quyền lợi về đất đai như người Việt Nam. Theo đại biểu, nếu đã bỏ quốc tịch Việt Nam thì sẽ không thể được hưởng quyền lợi ngang bằng với những người giữ quốc tịch Việt Nam.
"Hiện nay có rất nhiều người Việt Nam ra nước ngoài rồi bỏ quốc tịch Việt Nam. Do đó, nếu muốn có các quyền liên quan đến đất đai tại Việt Nam thì phải có quốc tịch Việt Nam, việc này nhằm khuyến khích người Việt Nam ra nước ngoài không bỏ quốc tịch", đại biểu đề xuất.