|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Nhiều cá nhân được miễn xem xét trách nhiệm hình sự trong vụ án Vạn Thịnh Phát

13:00 | 19/11/2023
Chia sẻ
Những đối tượng có liên quan được cơ quan điều tra xác định có vai trò thứ yếu, là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt tại SCB và Vạn Thịnh Phát không bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong vụ án.

Ngày 17/11, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ban hành bản kết luận điều tra vụ án liên quan đến bà Trương Mỹ Lan và các bị can trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị có liên quan.

Theo đó, bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố về ba tội: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan tới hoạt động ngân hàng; Đưa hối lộ.

Cơ quan điều tra xác định bà Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt 304.096 tỷ đồng của SCB. Số tiền này đến nay ngân hàng không thể chi trả và còn phát sinh số tiền lãi hơn 129.372 tỷ đồng đưa tổng số tiền gây thiệt hại lên hơn 415.000 tỷ đồng.  

Liên quan đến vụ án, 85 người còn lại bị đề nghị truy tố liên quan tới 6 tội: Tham ô tài sản; Vi phạm quy định về hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan tới hoạt động ngân hàng; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trong kết luận điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã miễn xem xét trách nhiệm hình sự cho một số cá nhân có liên quan trong vụ án.

Cụ thể, đối với nhóm cán bộ ở cấp đơn vị/Chi nhánh cho vay; tái thẩm định cho vay; tham mưu cho Ban Tổng giám đổc, cán bộ giúp việc cho HĐQT, Ban Kiểm soát có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định đối với các khách hàng thuộc nhóm Vạn Thịnh Phát vay vốn SCB; kiểm tra, kiểm soát hoạt động SCB và những người ở cấp đơn vị tham gia hạch toán liên quan đến tiền giải ngân đối với các khoản vay của nhóm khách hàng này.

Cơ quan điều tra xác định các cá nhân này đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, không giữ chức vụ, vị trí chủ chốt, họ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB. Trong quá trình điều tra các cá nhân trên tích cực hợp tác, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự.

Đối với những cá nhân gồm (1) Lưu Quốc Thắng, (2) Lê Văn Chánh, (3) Phạm Mạnh Cường - Thành viên Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư Hội sở; (4) Từ Văn Tuấn - SCB CN Bến Thành, (5) Nguyễn Ngọc Tú - SCB CN cống Quỳnh, (6) Lê Anh Phương - SCB CN Sài Gòn, (7) Phạm Thế Quảng - SCB CN Bến Thành, (8) Nguyễn Anh Thép - SCB CN Cống Quỳnh, (9) Hồ Bảo Ngọc - SCB CN Bến Thành; (10) Trần Hoàng Giang - SCB CN Sài Gòn; (11) Trần Thị Mỹ Dung, (12) Mai Văn Sáu Nhở, (13) Mai Hồng Chín, (14) Khổng Minh Thế, (15) Nguyễn Huỳnh Lan Chi, (16) Bùi Ngọc Sơn, Nhân viên, Chuyên viên Phòng Tái thẩm định, Ngân hàng SCB.

Nhóm đối tượng trên được xác định có tham gia trong hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định của các khách hàng của nhóm Vạn Thịnh Phát tại Ngân hàng SCB, giữ vai trò nhân viên, chuyên viên, đều là những người lệ thuộc, làm công ăn lương, thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của lãnh đạo Ngân hàng SCB. Do vậy, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự những người này đối với các khoản vay đã tham gia ở vai trò thứ yếu.

Tuy nhiên, các cá nhân này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với trách nhiệm kiểm tra giám sát hoạt động của SCB (Lưu Quốc Thắng), liên hệ hợp thức Chứng thư thẩm định giátài sản (Lê Văn Chánh, Bùi Ngọc Sơn), tham gia lập hồ sơ khống (những người còn lại) để cấp tín dụng trái quy định cho các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát khi giữ vai trò lãnh đạo, phụ trách đơn vị như đã nêu ở trên.

Đối với nhóm lãnh đạo các chi nhánh gồm (1) Bùi Anh Dũng, lãnh đạo Ngân hàng SCB CN Bến Thành; (2) Chiêm Minh Dũng, lãnh đạo Ngân hàng SCB CN Sài Gòn; (3) Nguyễn Cửu Tính, lãnh đạo Ngân hàng SCB CN cống Quỳnh; (4) Hồ Bảo Ngọc, lãnh đạo Ngân hàng SCB CN Phạm Ngọc Thạch; (5) Phan Tấn Khôi, lãnh đạo Ngân hàng SCB Đông Sài Gòn; (6) Lưu Chấn Nguyên, lãnh đạo Ngân hàng SCB Củ Chi; (7) Lê Anh Phương, lãnh đạo Ngân hàng SCB CN Sài Gòn; (8) Từ Văn Tuấn, lãnh đạo Trung tâm Kinh doanh khách hàng Wholesale; (9) Nguyễn Anh Thép, lãnh đạo Ngân hàng SCB CN Sài Gòn/SCB CN cống Quỳnh.

Nhóm các cá nhân trên được cơ quan điều tra xác định có tham gia quản lý đơn vị cho vay, phê duyệt bút toán liên quan đến tiền giải ngân của SCB đối với các khoản vay của nhóm Vạn Thịnh Phát nói trên, xác định đây là các khoản vay thực hiện giải ngân theo chỉ đạo của Lãnh đạo SCB quyết định nên phải thực hiện.

Do vậy, không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này trong vai trò quản lý đơn vị, phê duyệt bút toán liên quan đến tiền giải ngân các khoản vay trên của nhóm Vạn Thịnh Phát. Tuy nhiên, các đối tượng này phải chịu trách nhiệm hình sự đối với các lần tham gia xét duyệt, cấp tín dụng cho các khoản vay trái quy định của nhóm Vạn Thịnh Phát.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũngkhông xem xét trách nhiệm hình sự với hai cá nhân đã chết gồm bà Nguyễn Phương Hồng, Phó Giám đốc, Giám đốc Ngân hàng SCB CN Sài Gòn và ông Nguyễn Tiến Thành, Thành viên HĐQT Ngân hàng SCB. Hai người này được xác định đã tham gia xây dựng hồ sơ vay vốn, thực hiện việc xét duyệt, cấp tín dụng đối với các khoản vay của các khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định của Ngân hàng SCB, giúp cho Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội để sử dụng, chiếm đoạt tiền trái phép.

Với các đối tượng thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhóm đối tượng được thuê đứng tên ký khoản vay, đứng đại diện pháp luật công ty ký hồ sơ vay, đứng tên tài sản bảo đảm, ký chứng từ rút, chuyển tiền, làm nhân viên kế toán, nhân sự hành chính v.v. liên quan đến các hồ sơ vay vốn không đảm bảo quy định của nhóm Vạn Thịnh Phát tại SCB.

Tuy nhiên, đây là các đối tượng có vai trò thứ yếu, ngoài tiền lương được trả không được hưởng lợi gì khác, bản thân không nhận thức được hành vi đứng tên như trên giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền từ ngân hàng, là những người lệ thuộc, thực hiện nhiệm vụ do các đối tượng khác thuê. Bên cạnh đó, trong quá trình điều tra tích cực hợp tác, góp phần có hiệu quả vào việc điều tra, xử lý tội phạm, do vậy không xem xét trách nhiệm hình sự đối với những người này.

Cơ quan điều tra cũngkhông xem xét trách nhiệm hình sự với ông Nguyễn Ngọc Dương, Nhân viên Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula (thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát) do đã chết.

Ông Dương được xác định đã tham gia vào quá trình chỉ đạo tìm kiếm để thuê người đứng tên các khoản vay, đứng tên các pháp nhân, sở hữu cổ phần ...; trực tiếp đứng tên họp đồng vay vốn, hợp đồng thế chấp tài sản, là đối tượng giúp sức tích cực cho bà Trương Mỹ Lan thực hiện hành vi phạm tội đối với các khoản vay của các khách hàng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát vay vốn trái quy định tại SCB.

H.T

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.