|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhiều áp lực tăng trưởng cho doanh nghiệp xi măng

20:15 | 11/04/2022
Chia sẻ
Nhu cầu trong nước phục hồi song giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang gây áp lực cho các doanh nghiệp xi măng trong nước. Cùng lúc đó, sản lượng xuất khẩu có thể chững lại khiến áp lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp này ngày càng gia tăng.

Sản xuất xi măng tại Công ty cổ phần xi măng La Hiên VVMI. Ảnh: Hoàng Thảo Nguyên/TTXVN

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam, quý I/2022, lượng xi măng tiêu thụ nội địa đạt hơn 13,5 triệu tấn; trong đó, riêng tháng 3 ghi nhận tiêu thụ tăng lên gần 6 triệu tấn, tăng hơn 1 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng hơn 3,5 triệu tấn so với tháng trước khi trùng với thời điểm Tết Nguyên Đán, nhu cầu xây dựng và tiêu thụ xi măng hạn chế.

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI đánh quá, nhu cầu trong nước có thể quay trở lại mức tăng trưởng bình thường từ 5 -7% trong năm 2022 so với mức thấp trong năm 2021 do nhu cầu bị dồn nén, phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.

Tổng cục Thống kê ghi nhận, 3 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi xi măng là nguyên vật liệu quan trọng trong xây dựng công trình. Các chuyên gia cho rằng, giai đoạn 2022 - 2023, các doanh nghiệp xi măng mới thực sự hưởng lợi từ các dự án đầu tư hạ tầng, sau khi các công trình sử dụng vốn công đã hoàn tất giải phóng mặt bằng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây đối với các doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào khi giá thành sản xuất xi măng trong nước vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá than nhập khẩu vẫn giữ ở mức cao, do chịu ảnh hưởng lớn từ thị trường năng lượng thế giới. Giá than trong nước lại đang thấp hơn so với thế giới, song có thể tiếp tục điều chỉnh trong năm nay, do chi phí sản xuất khai thác than hầm lò cao hơn.

Thực tế, để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm, một số doanh nghiệp sản xuất xi măng đã thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm xi măng bao và xi măng rời từ cuối tháng 3 vừa qua.

Đại diện Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 (Vicem Hà Tiên) chia sẻ, dù doanh nghiệp đã cố gắng tìm giải pháp tiết kiệm chi phí sản xuất, tối đa hóa hiệu quả sử dụng nguyên nhiên vật liệu nhưng vẫn không thể bù đắp chi phí đầu vào tăng cao như hiện nay.

Do đó, Vicem Hà Tiên đã phải xem xét cân đối lại giá bán xi măng để đảm bảo bù đắp một phần chi phí ngày càng tăng cao. Việc điều chỉnh tăng giá bán được áp dụng bắt đầu từ ngày 23/3 đối với các loại xi măng bao và xi măng bao jumbo với mức tăng thêm 100.000 đồng/tấn, đã bao gồm VAT.

Thêm nữa, từ sau xung đột Nga – Ukraine, giá nguyên vật liệu đầu vào trong sản xuất xi măng đều tăng, đặc biệt giá xăng dầu và than đá tăng mạnh, nguồn cung khan hiếm dẫn đến giá thành sản xuất xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng.

Như vậy, dù sản lượng tiêu thụ nội địa dự kiến tăng trưởng trở lại trong năm 2022, tuy nhiên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất gặp áp lực do cạnh tranh lớn cùng giá đầu vào tăng.

Bên cạnh áp lực từ giá đầu vào, theo phân tích của SSI, tăng trưởng xuất khẩu có thể chững lại, đặc biệt tại thị trường trọng điểm như Trung Quốc, với 55% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021. Cụ thể, ước tính nhu cầu của Trung Quốc chậm lại trong năm nay, thể hiện ở việc giá xi măng Trung Quốc đang giảm so với mức đỉnh tháng 10 năm 2021 do thị trường bất động sản giảm.

Nếu như báo cáo của Hiệp hội Xi măng, năm 2022, nguồn cung xi măng tiếp tục duy trì ở mức rất cao, trong khi nhu cầu xi măng trong nước dự kiến từ 63 - 64 triệu tấn khiến xuất khẩu tiếp tục là kênh tiêu thụ quan trọng thì đây cũng là áp lực không nhỏ đối với các doanh nghiệp trong nước.

Theo tài liệu Đại hội đại cổ đông năm 2022 được Công ty cổ phần Xi măng La Hiên VVMI công bố, doanh nghiệp này đặt tổng doanh thu dự kiến 680 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 56 tỷ đồng, giảm 18% so với thực hiện trong năm 2021.

Theo lý giải của doanh nghiệp này, mục tiêu năm 2022 thấp hơn do dự báo giá nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ tăng cao; đồng thời, tình hình dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sức tiêu thụ trong khi thị trường ngày càng cạnh tranh khốc liệt và xuất khẩu không ổn định.

Đáng chú ý, năm 2022, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm 3 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào vận hành gồm: dự án xi măng Xuân Thành 3, dự án xi măng Long Thành và dự án xi măng Đại Dương 1, với công suất khoảng 8,8 triệu tấn/năm.

Với ước tính công suất trong nước sẽ tăng từ 10 – 15%, giới phân tích nhìn nhân, sự giảm tốc của kênh xuất khẩu sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước. Điều này đặc biệt xảy ra tại miền Bắc và miền Trung, nơi có các dự án mới nhiều nhất và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Từ năm 2023, theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 của Chính phủ sửa đổi Nghị định 57/2020/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Khi clinker thường chiếm từ 60 - 70% tổng lượng xi măng và clinker xuất khẩu, xuất khẩu clinker giảm sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước.

Cùng thời điểm này, xi măng xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển cần đáp ứng yêu cầu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng ở mức thấp. Nếu hàm lượng CO2 trong sản xuất xi măng cao như hiện nay, doanh nghiệp sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong thời gian tới.

Trên thị trường, từ đầu năm, nhóm cổ phiếu xi măng cũng ghi nhận những phiên tăng nóng trong tháng 3 vừa qua, song nhịp tăng không kéo dài. Đóng cửa phiên giao dịch trước kỳ nghỉ lễ (8/4), cổ phiếu BCC của Công ty cổ phần Xi măng Bỉm Sơn có giá 24.300 đồng/đơn vị, tăng 3% so với đầu năm; cổ phiếu HT1 của Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 có giá 25.500 đồng/đơn vị, tăng 6% so với đầu năm; cổ phiếu CLH của Công ty cổ phần Xi măng La Hiên VVMI có giá 37.500 đồng/đơn vị, tăng 37% so với đầu năm.

Diệp Anh

Hà Nội lập kỷ lục thu ngân sách Nhà nước vượt 500.000 tỷ đồng
Mặc dù GRDP tăng thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, song trong năm 2024, một số chỉ tiêu kinh tế của Hà Nội vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, đặc biệt tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn lần đầu tiên vượt ngưỡng 500.000 tỷ đồng và tăng 24,7% so với dự toán.