|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

'Nhảy' vào mảng đồng hồ thời trang, Thế giới Di Động đã làm được gì?

15:49 | 22/05/2019
Chia sẻ
Dù lấn sân sang mảng đồ hồ thời trang cách đây không lâu nhưng Thế giới Di Động đang có những bước tiến quan trọng khi ghi nhận biên lợi nhuận gộp mảng này có thể vượt 40%.

Thế giới Di động lấn sân sang đồng hồ thời trang với biên lợi nhuận gộp trên 40%

Thị trường đồng hồ ở Việt Nam hiện có giá trị ước tính khoảng 17.000 tỉ đồng với độ phân mảnh cao và còn rất "bát nháo" về nguồn gốc sản phẩm. Nắm bắt cơ hội đó, CTCP Đầu tư Thế giới Di Động (Mã: MWG) cũng đã lấn sân sang mảng này khi thử bán đồng hồ thời trang tại hai cửa hàng điện thoại ở TP HCM vào quý I/2019.

Trả lời với ICTNews, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng Giám đốc Thế giới Di Động cho biết, đồng hồ không chỉ để xem giờ mà còn được xem là một phụ kiện thời trang. Đây là thị trường lớn mà Thế Giới Di Động sẽ thử nghiệm.

Tính đến hiện tại, các cửa hàng này đã ghi nhận doanh số bán đồng hồ tích cực, đạt trung bình 500 chiếc được bán ra tại mỗi cửa hàng/tháng và đóng góp thêm khoảng 5% doanh số cho các cửa hàng này.

Ông Hiểu Em cho biết, công ty không mở cửa hàng riêng để bán đồng hồ mà bán lẻ đồng hồ tại các cửa hàng Thế Giới Di Động lẫn Điện Máy Xanh trên khắp cả nước và ưu tiên bán đồng hồ ở những cửa hàng đang thu hút lượng khách đông, đạt doanh thu cao.

Thế giới Di Động hiện bán khoảng 700 mẫu đồng hồ của 13 thương hiệu khác nhau như như Micheal Kors, Fossil, Casio, Baby-G, G-Shock, Sheen, Edifice, Daniel Wellington, Megir và Mini Focus... Đây đều là những đồng hồ thời trang giá rẻ, dưới 7 triệu đồng. Trong đó, đến 60% mẫu đồng hồ là thuộc phân khúc thấp, bán với giá từ vài trăm ngàn đồng đến 3 triệu đồng.

Dù nhảy vào mảng đồng hồ thời trang chậm chân hơn PNJ và Doji, nhưng theo chia sẻ cho ban lãnh đạo, doanh số bán đồng hồ của Thế giới Di Động phần nào được hỗ trợ bởi các chương trình khuyến mãi, khi biên lợi nhuận gộp của sản phẩm đồng hồ thời trang có thể vượt 40%.

Công ty đang bán sản phẩm có mức giá chiết khấu hơn 20% so với giá niêm yết để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, điều này vẫn giúp đóng góp lợi nhuận cho các cửa hàng, khi việc kinh doanh đồng hồ thời trang không tốn thêm chi phí hoạt động cho Thế giới Di Động ngoài chi phí đầu tư ban đầu.

Sau khi nhận thấy các tín hiện tích cực ban đầu, Thế giới Di Động có kế hoạch đưa lượng cửa hàng bán đồng hồ lên con số 30 vào cuối quý II.

"Miếng bánh" đồng hồ thời trang tuy béo bở nhưng không dễ ăn

Tuy gần đây có nhiều đại gia nhảy vào nhưng thị trường đồng hồ được đánh giá là còn nhiều tiềm năng và vẫn nằm trong tay các thương hiệu ngoại.

Hơn nữa, hầu hết thương hiệu đồng hồ danh tiếng đều được sản xuất tại Trung Quốc nên theo cách hiểu nào đó, người Việt Nam càng chi nhiều sẽ càng đem miếng bánh lợi nhuận đẩy về Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, theo báo cáo "Sơ lược thị trường bán lẻ đồng hồ Việt Nam" của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây, khảo sát qua các địa điểm mua sắm đồng hồ thời trang, VDSC thấy rằng hầu hết (bao gồm các cửa hàng tư nhân trong nước và các trang web ở nước ngoài) chủ yếu tập trung vào khách hàng nam, với 60-70% sản phẩm bày bán là đồng hồ nam và khoảng 60% sản phẩm có giá trên 10 triệu đồng (phân khúc giá trung bình và cao).

Trong khi đó, các cửa hàng PNJ và Doji tập trung vào khách hàng nữ với 63% (PNJ) và 87% (Doji) mẫu mã là đồng hồ nữ. Điều này là dễ hiểu khi PNJ và Doji là các chuỗi trang sức và hướng tới khách hàng nữ.

VDSC cho rằng, cơ cấu nói trên là khá hợp lý khi khách hàng nữ có xu hướng xem trọng vẻ bề ngoài đẹp và giá cả hợp lý của các mẫu đồng hồ thời trang hơn là chi tiết bộ máy bên trong (là thành phần tạo nên mức giá rất cao của những mẫu đồng hồ cao cấp). Do đó, việc trả hơn 10 triệu đồng cho một chiếc đồng hồ (vốn chỉ là một trong rất nhiều loại trang sức của phụ nữ) có vẻ là quá nhiều.

Tuy nhiên VDSC đánh giá, thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị phần vẫn nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ. Nhu cầu về đồng hồ, mặc dù rất lớn, không phải đều dành cho đồng hồ chính hãng – vốn có giá bán vẫn khá cao so với mức đa số người Việt sẵn sàng chi trả.

Hơn nữa, độ bền cao của đồng hồ (kể cả đồng hồ giả) và không cần phải bảo trì thường xuyên cũng là nguyên nhân khiến hàng xách tay trở nên phổ biến bởi giá thường rẻ hơn đáng kể so với mua trong nước. Do đó, miếng bánh bán lẻ đồng hồ tuy rất béo bở nhưng "không hề dễ ăn".

Minh Anh