Nhật Bản phát hiện hơn 16 triệu tấn đất hiếm ngoài khơi Thái Bình Dương
Mỹ nỗ lực giảm phụ thuộc vào nhập khẩu các khoáng chất quan trọng | |
Kêu gọi nhà đầu tư chiến lược cho các mỏ đất hiếm tại Lai Châu |
Trữ lượng đất hiếm này được tìm thấy trên diện tích gần 2.500 km2 dưới đáy Thái Bình Dương gần Đảo Minami-Torishima, cách thủ đô Tokyo 1.850 km về hướng đông nam.
Vị trí đáy biển chứa lượng đất hiếm khổng lồ vừa được phát hiện. Nguồn: Ảnh chụp trang Scientific Reports/CNBC. |
Đây là phát hiện của nhóm nghiên cứu do giảng viên Yutaro Takaya (Đại học Waseda) và Giáo sư Yasuhiro Kato (Đại học Tokyo) dẫn đầu. Công trình nghiên cứu được đăng tải trên Báo cáo Khoa học (Scientific Reports) của Nature Publishing Group (Anh).
Các kim loại đất hiếm là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất các sản phẩm công nghệ như xe điện, điện thoại di động và pin. Từ lâu ngành công nghiệp thế giới phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc vì nước này cung cấp đến 90% nguồn đất hiếm toàn cầu.
Theo kết quả nghiên cứu, khu vực đáy biển nói trên chứa hơn 16 triệu tấn oxide đất hiếm, tương đương nguồn cung các nguyên tố hiếm như yttrium, europium, terbium và dysprosium trong hàng trăm năm.
Tờ Wall Street Journal ngày 11/4 cho biết, phát hiện chấn động này có thể giúp Nhật Bản soán ngôi Trung Quốc để trở thành nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới.
Theo Reuters, Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm các nguồn đất hiếm sau khi Trung Quốc hạn chế xuất khẩu vào năm 2010 do tranh chấp một quần đảo mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu một số kim loại đất hiếm từ năm 2010 khiến giá nguồn nguyên liệu này tăng vọt đến 10 lần, buộc Nhật Bản – một trong những quốc gia sản xuất hàng điện tử lớn nhất thế giới, ráo riết tìm nguồn đất hiếm riêng.
Tuy nhiên, việc chiết xuất đất hiếm từ đáy biển là một quá trình tốn kém. Chính phủ Nhật Bản, doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu có kế hoạch tiến hành thử nghiệm tính khả thi trong vòng 5 năm tới, theo Wall Street Journal.