|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập nhằng nhôm Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt xuất đi Mỹ

07:32 | 15/06/2019
Chia sẻ
Một số sản phẩm nhôm nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc đã chính thức bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) tại Việt Nam. Đáng chú ý, trong số các mặt hàng này có xuất hiện mặt hàng cũng bị Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế với Việt Nam.
Nhập nhằng nhôm Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt xuất đi Mỹ - Ảnh 1.

Một số mặt hàng nhôm nhập từ Trung Quốc bị áp thuế CBPG ở Việt Nam cũng bị Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với hàng Việt.

Nhôm Trung Quốc được bán với giá thấp hơn chi phí sản xuất

Thông tin từ Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM - Bộ Công Thương) cho biết, một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép NK từ 17 công ty ở Trung Quốc đã chính thức bị áp dụng biện pháp CBPG tạm thời. Theo đó, mức thuế tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu (DNXK) nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,46%-35,58%.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép NK vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng NK năm 2017. Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm NK vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng XK. Trong khi đó, lượng NK từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến năm 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.

Do đó, một số cơ sở sản xuất trong nước đã gửi yêu cầu áp dụng biện pháp PVTM đến Cục PVTM. Trên cơ sở đó, Cục bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra từ tháng 01/2019.

Đại diện Cục PVTM cho biết, sau gần 5 tháng điều tra sơ bộ theo đúng quy định, Bộ Công Thương đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá của các DN sản xuất của Trung Quốc cũng như xem xét, tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và người tiêu dùng các sản phẩm nhôm thanh.

Kết quả thẩm tra, đánh giá cho thấy ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, thể hiện ở các chỉ số như hầu hết các DN đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động và một số lượng lớn lao động đã phải nghỉ việc.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá. Trong một số trường hợp giá bán còn thấp hơn cả chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp CBPG.

Nhập nhằng nhôm “đội lốt” hàng Việt xuất đi Mỹ

Đại diện Cục này cũng cho biết, trong năm 2018, Mỹ đã tiến hành điều tra lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm nhôm đùn ép NK từ Việt Nam. Kết luận sơ bộ của vụ việc này vừa được công bố cách đây 2 tuần cho thấy sản phẩm nhôm đùn ép của Việt Nam XK vào Mỹ đang lẩn tránh thuế CBPG và thuế chống trợ cấp mà Mỹ đã áp với hàng Trung Quốc trước đó.

Chính vì vậy, Mỹ tuyên bố áp thuế suất lên tới 374,15% đối với các sản phẩm này của Việt Nam. Đáng lưu ý, trong số các sản phẩm nhôm đùn xuất xứ từ Việt Nam bị kết luận là lẩn tránh thuế có một số mã HS thuộc phạm vi áp dụng biện pháp CBPG tạm thời mà Bộ Công Thương vừa quyết định. Điều này cho thấy nhiều hàng hóa Trung Quốc đã xuất hiện tại Việt Nam, gắn mác hàng hóa “made in Vietnam” để xuất sang Mỹ hoặc các nước khác.

Cục PVTM cho hay, việc Mỹ áp thuế chống lẩn tránh thuế đối với các sản phẩm nhôm từ Việt Nam có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các DN sản xuất, XK nhôm chân chính của Việt Nam cả về lợi nhuận lẫn uy tín khi các công ty này vốn đã phải chịu sức ép cạnh tranh từ hàng NK từ Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng diễn biến căng thẳng và chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp CBPG tạm thời đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép sẽ giúp giảm bớt áp lực cho các DN sản xuất trong nước và đồng thời góp phần ngăn chặn dòng hàng hóa “lẩn tránh” qua Việt Nam.

Dự kiến Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với các bên liên quan, thẩm tra xác minh số liệu và tổ chức phiên tham vấn công khai để tất cả các bên có cơ hội bày tỏ ý kiến của mình, đồng thời đánh giá tác động toàn diện của vụ việc đến các bên liên quan, bao gồm cả người tiêu dùng cuối cùng. Vụ việc dự kiến sẽ kết thúc điều tra vào Quý IV năm 2019.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Đỗ Thắng Hải khẳng định, việc áp dụng tạm thời biện pháp CBPG là một việc hết sức bình thường, thường xuyên của bất kỳ một quốc gia nào để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Vấn đề là phải tiến hành điều tra, ra quyết định mang tính khách quan, tuân thủ cam kết quốc tế và quy định của WTO. Các DN Việt Nam hiện nay cũng đang phải đối mặt với nhiều biện pháp áp thuế CBPG đối với nhiều mặt hàng, tại nhiều thị trường XK.

Nhật Thu