|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhập khẩu cà phê từ Brazil tăng đột biến

15:30 | 19/08/2024
Chia sẻ
Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi hơn 59 triệu USD để nhập khẩu cà phê từ Brazil, tăng đột biến 5,3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu cà phê từ Brazil tăng gấp nhiều lần trong 7 tháng

Theo số liệu từ Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam – nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đã mua tổng cộng 17.428 tấn cà phê nhân từ Brazil, với trị giá hơn 59 triệu USD, tăng đột biến 5,4 lần về lượng và gần 5,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây cũng là khối lượng cà phê lớn nhất mà Việt Nam nhập khẩu từ Brazil kể từ trước đến nay, cao hơn cả mức 12.609 tấn của cả giai đoạn 2021-2023 cộng lại.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Comex Stat 

Chỉ tính riêng trong tháng 7, nhập khẩu cà phê nhân của Việt Nam từ Brazil đạt 6.762 tấn, tăng gấp đôi tháng trước và tăng 28 lần so với cùng kỳ. Kết quả này đưa Việt Nam lên vị trí là nhà nhập khẩu cà phê lớn thứ 8 từ Brazil trong tháng vừa qua.

Nhập khẩu cà phê của Việt Nam từ Brazil tăng mạnh trong bối cảnh sản lượng trong nước giảm, tồn kho ở mức thấp.

Niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 1,47 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm, giảm 20% so với niên vụ 2022-2023,  theo số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn. Sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 nhiều khả năng sẽ vẫn giảm do yếu tố thời tiết không thuận lợi.

Lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 7 vừa qua giảm trong tháng thứ 6 liên tiếp và tháng thứ 8 kể từ đầu niên vụ đến nay.  

Tồn kho từ năm ngoái thấp, cộng thêm sản lượng giảm dẫn đến tình trạng khan hàng tại thị trường nội địa Việt Nam năm nay diễn ra sớm hơn ngay từ những tháng đầu năm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty TNHH MTV XNK 2/9 Đắk Lắk (Simexco DakLak)ước tính đến ngày 17/8, tồn kho chỉ còn khoảng 3% trong tổng sản lượng khoảng 1,47 triệu tấn của niên vụ 2023 - 2024. Do đó, lượng hàng xuất khẩu từ nay đến cuối năm có thể giảm mạnh; đồng thời hàng tồn kho chuyển sang vụ mới gần như bằng 0. 

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ số liệu của Comex Stat 

Trong khi đó, trả lời hãng tin Bloomberg hồi tháng 3 năm nay, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết cà phê nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ này đang phục vụ ngành cà phê hòa tan của Việt Nam.  

Còn theo bà Trần Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, một số công ty nhập khẩu cà phê của Brazil để thực hiện các hợp đồng đã ký và để sản xuất cà phê rang.  

Thời tiết diễn biến bất thường khiến các nước châu Á tăng nhập khẩu cà phê của Brazil. Hiện tượng El Nino gây khô hạn cực độ ở Đông Nam Á trong niên vụ năm nay làm giảm sản lượng ở Việt Nam và Indonesia, khiến giá nội địa tăng vọt.  

Trước đó, báo cáo tổng kết niên vụ 2022-2023 của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, niên vụ trước Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 98.600 tấn cà phê nhân, giá trị lên tới 246 triệu USD, tăng 19% về khối lượng và tăng 23% về kim ngạch so với niên vụ 2021-2022.

VICOFA cho biết, Việt Nam nhập khẩu cà phê nhiều năm nay như các nông sản khác (gạo, hạt điều…) từ các nước về chủ yếu phục vụ chế biến xuất khẩu.

Với cà phê nhân, Việt Nam nhập khẩu từ các nước có giá bán thấp hơn, hoặc những loại cà phê mà Việt Nam trồng được ít do khí hậu thổ nhưỡng như loại cà phê arabica. Cà phê arabica trong nước chỉ có một số vùng trồng được nên số lượng hạn chế, trong khi loại này có chất lượng cao nên phải nhập khẩu về tiêu thụ.

 Giá cà phê robusta nội địa của Việt Nam cao hơn 24 -30% so với Brazil. Điển hình tháng 7, giá cà phê robusta của Việt Nam của Việt Nam trung bình khoảng 122.000 đồng/kg trong khi Brazil chỉ khoảng 95.000 đồng/kg.

 Nguồn: giacaphe và cecafe (Hoàng Hiệp hổng hợp)

Brazil đẩy mạnh xuất khẩu cà phê robusta

Hiện tại Brazil đang đẩy mạnh việc xuất khẩu cà phê robusta nhằm một phần bù đắp khoảng trống nguồn cung do Việt Nam để lại. 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính đến hết tháng 7, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường thế giới đã giảm 12,4% so với cùng kỳ năm trước, xuống chỉ còn 979.353 tấn. 

Trong khi đó, theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafé), từ tháng 1 đến tháng 7, xuất khẩu cà phê của Brazil đạt kỷ lục hơn 28,1 triệu bao, tăng 46,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu cà phê robusta lên tới 5,2 triệu bao, gấp 4 lần (313,7%) so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 18,4% tỷ trọng.

Ông Márcio Ferreira, Chủ tịch của Cecafé, cho biết: "Cà phê robusta của chúng tôi tiếp tục là trung tâm của sự chú ý trong năm nay, chiếm lĩnh những khoảng trống do nguồn cung của các đối thủ cạnh tranh chính như Việt Nam và Indonesia giảm, đồng thời được ưa chuộng nhờ vụ thu hoạch bội thu năm 2023 và khối lượng đã thu hoạch trong năm nay. Vì vậy, cà phê robusta của Brazil thậm chí còn được Việt Nam và Indonesia nhập khẩu".

Theo Công ty cung ứng thực phẩm quốc gia Brazil (Conab), năng suất trung bình của các cánh đồng cà phê robusta ở nước này tăng khoảng 50% trong 10 năm qua, lên 44,2 bao (60 kg)/ha. Ngược lại, năng suất cà phê arabica chỉ tăng 24% trong cùng kỳ lên 26,7 bao/ha.

Hoàng Hiệp