Nguyên nhân khiến rất ít mô hình đa cấp lừa đảo bị xử lí đúng bản chất
Ngay sau khi thành lập, Công ty Thời Gian Vàng (Gold Time) đã tích cực lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia. Mỗi thành viên mới phải mua phân quyền với 3 triệu đồng để hưởng các lợi ích như cổ tức hàng tháng trọn đời, hoa hồng hệ thống nhiều cấp, nhiều nhánh.
Số tiền không quá lớn, nên nhiều người không cảm thấy do dự khi đầu tư. Sau khi nhận phân quyền, thành viên càng lôi kéo thành công nhiều người tham gia, quyền lợi họ hưởng càng lớn.
Thượng tá Lê Ngọc Hùng - Phó trưởng phòng 5, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an, nói với VTV rằng Gold Time đã triển khai mô hình kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Khi Bộ Công an ra quyết định khởi tố các lãnh đạo Gold Time về hành vi chiếm đoạt tài sản, với số tiền mà họ chiếm đoạt của nhà đầu tư lên tới 840 tỉ đồng, và số thành viên đạt gần 360.000 người.
Gold Time chỉ là một trong số khá nhiều tổ chức lừa đảo thông qua phương thức kinh doanh đa cấp. Từ năm 2017 tới nay, cơ quan chức năng đã xử lí nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo phương thức tương tự.
Bản chất vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp là chiếm đoạt tài sản của người tham gia. Trong nhiều vụ, số tài sản mà công ty chiếm đoạt lên tới hàng chục nghìn tỉ đồng (như vụ iFan).
Mặc dù vậy, rất ít vụ bị xử lí đúng bản chất của hành vi lừa đảo như vụ Gold Time. Nhận thức khác nhau của chính những lực lượng bảo vệ pháp luật cũng là một nguyên nhân, theo VTV1.
Điều 217A Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ nêu ra hai hành vi cấu thành tội phạm - gồm "Kinh doanh theo phương thức đa cấp khi không có giấy phép đăng kí kinh doanh" và "Có giấy phép kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng kinh doanh sai qui định".
Cơ quan Công an cho biết, những vụ lừa đảo núp bóng đa cấp mà nhà chức trách từng xử lí theo tội danh "Chiếm đoạt tài sản" ngay từ đầu do hậu quả cực kì nghiêm trọng với số nạn nhân cực lớn như MB24, Vì cộng đồng Việt, Thiên Ngọc Minh Uy.
Phần lớn vụ khác chỉ chịu mức xử lí phạt do vi phạm qui định kinh doanh theo phương thức đa cấp. Với những vụ ấy, phần lớn nạn nhân tham gia mạng lưới đa cấp một cách tự nguyện nên yếu tố dân sự rất dễ chịu sự chi phối bởi nhận thức của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo thượng tá Lê Ngọc Hùng, nhiều cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương nghĩ rằng người dân tham gia kinh doanh đa cấp trên tinh thần tự nguyện, chứ không nghĩ rằng những đối tượng cầm đầu cung cấp thông tin gian dối để dụ dỗ, lôi kéo các nhà đầu tư.
"Vì thế, họ không thể xử lí nhiều vụ việc lừa đảo theo phương thức đa cấp vì cho rằng đây là hành vi dân sự", thượng tá Hùng bình luận với VTV.
Điều 217A Bộ luật Hình sự 2015 chỉ qui định tội danh "Vi phạm qui định trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp" với hình phạt tối đa 5 năm tù, chứ không đề cập tới hành vi lợi dụng phương thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Trong khi đó, Điều 290 Bộ luật Hình sự 2015 qui định tội "Chiếm đoạt tài sản" với chế tài nặng hơn lại không đề cập tới kinh doanh theo phương thức đa cấp. Do vậy, những vụ kinh doanh đa cấp biến tướng hiếm khi bị xử lí đúng bản chất là tội "Chiếm đoạt tài sản" dù hậu quả khá lớn.
Luật sư Phạm Thanh Bình, giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, nhận định với VTV rằng Quốc hội nên xem xét ý tưởng sửa Điều 217A trong Bộ luật Hình sự 2015 theo hướng đưa tất cả hành vi chiếm đoạt tài sản thông qua kinh doanh đa cấp bất chính vào Điều 217A và nâng khung hình phạt. Về bản chất, đó là việc qui định một tội riêng.
"Hiện nay chúng ta đã có các qui định riêng về tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Vậy tại sao chúng ta không qui định riêng về tội phạm trong kinh doanh đa cấp?", luật sư Bình đặt câu hỏi.