|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nâng cao hiệu quả quản lí bán hàng đa cấp

20:34 | 22/08/2020
Chia sẻ
Mặc dù không còn xa lạ khi nhắc đến cụm từ “đa cấp” đã từng khiến nhiều gia đình điêu đứng vì những thiệt hại không nhỏ về kinh tế.

Thế nhưng, với những chiêu trò ngày càng tinh vi, đa cấp ngày càng biến tướng và không dừng lại ở những người nông dân mà ngay cả tầng lớp tri thức cũng vì những lời ngọt ngào, lợi ích béo bở mà sập bẫy.

Cơ hội làm giàu

Tình cờ vào một buổi trưa, anh Trần Công Hòa - kỹ sư công ty thiết bị bưu điện có cơ hội tiếp xúc với một nhóm trẻ thành đạt tại nhà hàng Lục Thuỷ.

Sau một hồi hàn huyên, anh được nhóm trẻ này bật mí mỗi tháng kiếm được hàng trăm triệu đồng rất nhẹ nhàng, thậm chí đổi nhà, mua xe chỉ trong tầm tay nếu biết nắm bắt cơ hội.

Quê Nghệ An ra Hà Nội ăn học rồi làm việc cho công ty đã hơn chục năm, nhưng đến nay vẫn ở nhờ nhà bác, hành trang theo anh hàng ngày vẫn chỉ là cái xe máy cà tàng tích cóp mua được cách đây vài năm.

Nghe mủi lòng êm tai cùng với sự tò mò về sự thành công nhanh chóng, không cần suy xét thấu đáo, anh Trần Công Hòa quyết đổi đời để mua "chiếc vé" nuôi hy vọng có được cơ hội làm giàu nhanh chóng, đơn giản.

Tuy nhiên, để đặt một chân vào thế giới của thiên tài khởi nghiệp, trước tiên anh phải nộp cho công ty một số tiền nhất định để làm tin với phía công ty mẹ tại nước ngoài.

Sau khi trở thành thành viên của thế giới những người năng động, anh được công ty yêu cầu kết nối thêm những mối quan hệ khác từ bạn bè hay người thân để tạo thêm chân rết.

Anh Trần Công Hòa chia sẻ, mỗi lần thu nạp thêm được một nhân tài vào mạng lưới, tài khoản của anh lại được công ty thưởng nóng một số tiền kha khá.

Với chút mồi nhử, anh Hòa như được tiếp thêm lửa đam mê và làm đơn xin nghỉ việc tại công ty thiết bị bưu điện với ý định làm việc lâu dài cho công ty mỹ phẩm này.

Không dừng lại ở đó, ngay cả vợ anh là giáo viên tại trường mầm non khu vực Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng quyết tâm bỏ nghề theo anh với ý định làm giàu.

Cách đây vài tháng, không hẹn mà tới, cả hai vợ chồng anh Hòa tìm đến nhà tôi trước sự ngỡ ngàng của cả nhà.

Kết thúc màn chuyện trò, vợ chồng anh khuyên vợ chồng tôi nên từ bỏ cơ quan báo chí để theo anh đi bán mỹ phẩm. 

Bởi, theo anh Hòa nếu tiếp tục gắn bó với nghiệp viết, không biết đến bao giờ vợ chồng tôi mới có cơ hội mở mặt với đời, rinh được xế hộp tiền tỷ như bao người khác.

Chị Lê Thu Hương - vợ anh Hòa sau một thời gian làm tại công ty này, cách nói chuyện cũng khác hẳn trước đây. Thay vì chào hỏi xã giao như trước, chị Hương lân la chuyện trò với tôi đủ thứ chuyện nhằm tạo sự thân thiện.

Theo chị, nếu vợ chồng tôi bỏ nghề báo về đây làm, trung bình mỗi tháng cũng kiếm được vài chục triệu đồng chưa kể hoa hồng phát sinh. 

Ngoài ra, có bạn bè, người thân muốn tham gia khởi nghiệp bán loại mỹ phẩm châu Âu này sẽ được thăng hạng, thu nhập cũng nhân lên theo mức bậc thang.

Theo lời kể của chị Lê Thu Hương, công ty mỹ phẩm này ở nước ngoài, họ gửi sản phẩm về cho chị bán và ăn chênh lệch hoa hồng. Số tiền sẽ được nhân lên nếu thu hút được nhiều người cùng tham gia.

Sau thời gian không gặp lại, tôi vừa được biết vợ chồng anh Hòa đã "dính" phải đường dây lừa đảo đa cấp xuyên quốc gia và đang vỡ mộng bởi mất tiền, mất việc và có thể còn bị truy cứu hình sự trước pháp luật.

Cùng chung cảnh ngộ này, em Nguyễn Ngọc Anh, sinh viên khoa quản trị du lịch, trường Đại học Thăng Long cũng vừa được thắp lửa đam mê với đường dây đa cấp.

Mới 22 tuổi dưới Thái Bình lên, Ngọc Anh bén duyên với đa cấp sau một lần được bạn rủ đi dự hội thảo tại Hà Nội.

Nắm bắt được tâm lý khao khát muốn làm thêm của các bạn sinh viên, các công ty đa cấp liên tục tiếp cận và săn đón theo nghi thức đặc biệt.

Thế nhưng, sau khi gia nhập, màn chào hỏi công ty là Nguyễn Ngọc Anh phải đặt cọc với số tiền 20 triệu đồng.

Dù không có tiền nhưng qua các mối quan hệ, nhờ cậy bạn bè và người thân, một tuần sau Nguyễn Ngọc Anh đã chính thức đứng trong hàng ngũ của đội quân đa cấp.

Qua các buổi trang bị kiến thức, Nguyễn Ngọc Anh được giao nhiệm vụ đi chào mời, lôi kéo khách hàng mua sản phẩm và kèm theo nhiệm vụ quan trọng hơn là rủ các bạn cùng lớp, cùng trường tham gia khởi nghiệp.

Khi con số đạt đến 100 người mua sản phẩm đồng nghĩa với việc điểm tích luỹ sao tăng, Nguyễn Ngọc Anh sẽ lọt vào top thủ lĩnh đỏ và được hưởng nhiều chế độ ưu đãi đặc biệt.

Thế nhưng, khi bắt tay vào việc Nguyễn Ngọc Anh mới vỡ lẽ bởi sản phẩm không tên tuổi mà giá lại trên trời nên không bán được cho ai.

Tuy nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng nghĩ đến khoản nợ 20 triệu đồng và ước mơ trở thành ngôi sao thủ lĩnh đã khiến Nguyễn Ngọc Anh tiếp tục gắn bó.

Không còn cách nào khác, Nguyễn Ngọc Anh đành mời bố mẹ và họ hàng ở quê mua sản phẩm này. Chỉ trong một thời gian ngắn gia đình em đã mua tới 7 combo, tương đương 140 triệu đồng.

Ngay cả bạn trai mới quen cũng được Nguyễn Ngọc Anh mời mua hàng và gây áp lực bắt bạn trai lôi kéo gia đình, bạn bè mua sản phẩm để đủ doanh số.

Khi đạt tới điểm chuẩn thì Nguyễn Ngọc Anh mới phát hiện mình bị lừa bởi sau khi tiền bán hàng chuyển vào công ty thì đã bị chặn mọi liên hệ.

Hàng không mang về được cho gia đình, bạn bè cộng thêm một khoản nợ kếch xù mà chưa biết sau này sẽ lấy đâu ra để trang trải.

Hoàn thiện chính sách

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, mới đây Bộ Công Thương đã tiếp nhận khoảng 100 lượt đơn khiếu nại, kiến nghị, tố cáo… liên quan đến những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp.

Tính đến tháng 8/2020, cả nước có 21 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 30% so với cuối năm 2018; trong đó số người tham gia bán hàng đa cấp là 1.105.003 người, giảm 159.401 người, tương đương 12%.

Bên cạnh những chiêu thức mời chào trực tiếp, thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều mô hình, dự án được giới thiệu là "kinh doanh hệ thống", "kinh doanh mạng", "sàn thương mại điện tử tràn tầng" hay "đa cấp thời đại 4.0".

Những mô hình, dự án này được lan truyền rất nhanh trên các trang thông tin điện tử, youtube, mạng xã hội Facebook, Zalo, Viber, TelegramX như là "sân chơi" của những "bạn trẻ khởi nghiệp" và những "doanh nhân" muốn kết nối toàn cầu, giao dịch và chia sẻ cơ hội đầu tư.

Có thể kể đến các địa chỉ website: Onelinknetwork.com; ChiliMall.net; Vitae.co; Crowd1.com; Tcapital.org; Winvest.io… đang mời gọi người tham gia kinh doanh và đầu tư mua cổ phiếu nội bộ với những nguồn thu nhập cực kỳ hấp dẫn.

Hơn nữa, các dự án nêu trên có dấu hiệu hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp (Nghị định số 40/2018/NĐ-CP).

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mô hình hoạt động này có dấu hiệu lợi dụng nền tảng thương mại điện tử để kinh doanh đa cấp trái phép.

Tuy nhiên, do không có thẩm quyền trực tiếp giải quyết các tranh chấp nên Bộ Công Thương đã có văn bản phản hồi, hướng dẫn người nộp đơn xác định đúng loại hình tranh chấp và thực hiện các phương thức khiếu nại phù hợp theo đúng quy định pháp luật để được các cơ quan chức năng giải quyết.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho hay: Năm 2020, một trong các hoạt động được chúng tôi chú trọng là thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật bán hàng đa cấp.

Cục đã phối hợp với các cơ quan liên quan như: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) hoàn thành thanh tra chuyên ngành việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp và xử phạt 4 doanh nghiệp với tổng số tiền 1.810 triệu đồng; thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp của 1 doanh nghiệp. 

Ở cấp địa phương, tổng số tiền phạt của các cơ quan quản lý tại địa phương là 1.139 triệu đồng.

Ngoài ra, Cục thực hiện nhiều các biện pháp tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi có dấu hiệu hoạt động bán hàng đa cấp trái phép để nâng cao nhận thức và ngăn ngừa những thiệt hại không đáng có cho người dân. 

Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thiết kế và ứng dụng dịch vụ công trực tuyến đối với các thủ tục cấp và sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa chỉ https://banhangdacap.dvctt.gov.vn/

Mặt khác, Cục đã giới thiệu trang thông tin điện tử quản lý bán hàng đa cấp (mới nâng cấp) với nhiều chức năng và ứng dụng mới tại địa chỉ www.bhdc.vcca.gov.vn có thể hỗ trợ cung cấp các thông số liệu cập nhật, minh bạch, đầy đủ về lĩnh vực bán hàng đa cấp. 

Qua đó, giúp tăng cường trao đổi thông tin, tương tác giữa cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới các địa phương, nâng cao hiệu quả quản lý trong bán hàng đa cấp.

Đặc biệt, công bố ứng dụng iMLM nhằm hỗ trợ cung cấp và tiếp nhận thông tin về quản lý lĩnh vực bán hàng đa cấp tại Việt Nam một cách nhanh chóng. Ứng dụng này đang phát triển trên nền tảng iOS và sẽ được Cục xuất bản trong thời gian tới.

Uyên Hương