Cảnh báo các ứng dụng hoàn tiền mua sắm hoạt động đa cấp trái phép
Mới đây, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng đã lên tiếng cảnh báo về các ứng dụng "hoàn tiền" khi mua sắm.
Về bản chất, "hoàn tiền" là một mô hình thương mại điện tử B2C kết nối người tiêu dùng và và doanh nghiệp. Một trong những nguyên nhân mà doanh nghiệp quyết định hoàn tiền cho khách là mở rộng hệ thống khách hàng bằng cách chiết khấu hoa hồng hoặc hoàn tiền khi người dùng giới thiệu cho một khách hàng khác.
Mặc dù khẳng định hoàn tiền là một mô hình thương mại điện tử, nhưng Cục cho rằng một số website/ứng dụng đang có dấu hiệu hoạt động "khác thường".
Với tỉ lệ hoàn tiền lên tới 80%-100%, nhiều ứng dụng qui định chỉ "hoàn tiền" dưới dạng tích điểm trên hệ thống nội bộ, không qui đổi hoặc qui đổi ra tiền mặt với giá trị rất nhỏ.
Ngoài ra, Cục cũng chỉ rõ tên gọi của một số loại "tiền ảo" hay ví điện tử nội bộ của các ứng dụng có nguy cơ lừa đảo, như Gem, CBP, Silling, USDT, ETH, ONE, VNDC.
Trên thực tế, đây là những loại tiền ảo, ví điện tử Việt Nam không công nhận là trung gian thanh toán. Pháp luật không bảo vệ các giao dịch liên quan tới chúng.
Ngoài ra, việc hưởng hoa hồng theo cấp, tầng, nhánh cũng rất đáng ngờ. Đây có thể là hình thức để huy động vốn hoặc mời gọi người tham gia nộp thêm tiền để nâng cấp tài khoản lên các mức cao hơn.
"Cục CT&BVNTD đánh giá những mô hình hoạt động của các website, ứng dụng thương mại điện tử có những biểu hiện như vậy hoặc tương tự như trên đều không rõ ràng, không minh bạch trong mô hình hoạt động, có nhiều dấu hiệu biến tướng, sử dụng mô hình kinh doanh đa cấp trái phép", Cục kết luận.
Hiện tại, chỉ 21 doanh nghiệp có giấy phép hoạt động kinh doanh đa cấp trên cả nước.