|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 13/10: Nhịp điều chỉnh sẽ nhanh chóng kết thúc?

18:53 | 12/10/2021
Chia sẻ
Theo dự báo của công ty chứng khoán, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực nên nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu.

Thị trường trong nước tiếp tục duy trì đà tăng nhưng có phần chậm lại do nhóm VN30 đang test đỉnh tháng 8, thanh khoản thị trường vẫn rất tích cực và tập trung ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Thị trường đang cho thấy những tín hiệu khỏe khi có tới hai nhịp chịu áp lực bán nhưng chỉ số sau đó đều ngược dòng thành công.

Kết phiên, VN-Index tăng 0,71 điểm (0,05%) lên 1.394,8 điểm, trong đó VN30-Index giảm 0,7 điểm (0,05%) còn 1.509,07 điểm.

Thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE phiên này đạt 20.269 tỷ đồng, tương đương phiên hôm qua và tăng 15% so với bình quân tuần trước bất chấp dòng tiền vào nhóm VN30 giảm.

Nhận định thị trường chứng khoán ngày 13/10: Nhịp điều chỉnh sẽ nhanh chóng kết thúc? - Ảnh 1.

Đồ thị kỹ thuật VN-Index. (Nguồn: KBSV).

Dưới đây là nhận định của các công ty chứng khoán ngày 13/10:

Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC)

Thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN30 có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự ngắn hạn 1.512,27 điểm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực nên nhịp điều chỉnh có thể sẽ nhanh chóng kết thúc. Ngoài ra, dòng tiền ngắn hạn được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng và lan tỏa đều giữa các nhóm cổ phiếu.

Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục gia tăng tỷ trọng cổ phiếu tại các nhịp điều chỉnh.

Chứng khoán MB (MBS) 

Thị trường đã có phiên tăng thứ 7 liên tiếp dù đà tăng ở phiên này có phần chậm lại do nhóm VN30 đang retest vùng đỉnh tháng 8. Thanh khoản vẫn được duy trì trên ngưỡng 20.000 tỷ đồng khớp lệnh trên sàn HOSE là tín hiệu tích cực dù độ rộng thị trường ghi nhận thị trường tăng trong trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng”.

Thị trường vẫn còn nhiều triển vọng để hướng tới đỉnh lịch sử trong tháng 10, nhà đầu tư có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh trong phiên để gia tăng tỷ trọng đối với nhóm cổ phiếu bluechips, đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành, các cổ phiếu được hưởng lợi từ thị trường hàng hóa, năng lượng, chuỗi cung ứng, xuất khẩu,… hoặc nhóm dịch vụ tài chính như chứng khoán, ngân hàng,…

Chứng khoán BIDV (BSC)

VN-Index đi ngang trong cả phiên giao dịch hôm nay. Dòng tiền đầu tư co cụm vào một số ngành nhất định khi có 7/19 ngành tăng điểm. Các nhóm đóng góp vào đà tăng điểm của thị trường là viễn thông, bán lẻ và dầu khí.

Thanh khoản thị trường gần như không đổi và độ rộng thị trường tiêu cực cho thấy tâm lý giao dịch thận trọng trước ngưỡng  cản lớn 1.400 điểm. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX. Hiện tượng dòng tiền nội và ngoại suy yếu trước ngưỡng cản lớn có thể khiến VN-Index tiếp tục duy trì trạng thái tích lũy trong vùng 1.380 - 1.400 trong các phiên giao dịch tới.

Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV)

Sau nhịp mở gap tăng điểm đầu phiên, VN-Index giảm điểm giằng co trước khi phục hồi một phần và đóng cửa ngay trên mức tham chiếu. Sau khi bứt phá thành công, vượt cạnh trên của mẫu hình tam giác, với xung lực tăng khá tích cực, cơ hội tiếp tục mở rộng nhịp hồi phục đang được đánh giá cao.

Mặc dù vậy, sau khi chớm vượt mốc kháng cự tâm lý tại 1.400, chỉ số sẽ còn gặp phải áp lực rung lắc điều chỉnh trong ngắn hạn với vùng hỗ trợ gần tại quanh 1.375 - 1.385 điểm. NĐT được khuyến nghị tiếp tục nắm giữ các vị thế trung hạn ở mức trung bình và linh hoạt mua tại hỗ trợ/bán tại kháng cự thêm một phần vị thế trading ngắn hạn.

Nhà đầu tư chỉ nên xem những nhận định của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên.   

Thu Thảo

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.