|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

C.P Việt Nam muốn mua cổ phần Thực phẩm Sao Ta

18:16 | 12/10/2021
Chia sẻ
Chủ tịch Sao Ta tiết lộ C.P Việt Nam có thể sẽ nhận chuyển nhượng hơn 9% cổ phần Sao Ta từ Tập đoàn PAN.

Tập đoàn PAN (Mã: PAN) vừa đăng ký bán thỏa thuận 5,4 triệu cổ phiếu FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta để giảm sở hữu từ 51,12% xuống còn 41,95%. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 12/10 đến ngày 9/11 với mục đích chuyển nhượng vốn cho đối tác.

Trên thị trường có thông tin cho rằng đối tác chiến lược được PAN chuyển nhượng vốn tại Sao Ta là CTCP Chăn nuôi C.P Việt Nam. 

Xác nhận với chúng tôi, ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Sao Ta cho biết có nhận được thông tin đối tác chiến lược sẽ mua cổ phần FMC là C.P Việt Nam. Nếu giao dịch hoàn tất, C.P Việt Nam sẽ tăng sở hữu tại Sao Ta thêm 9,17%.

C.P Việt Nam do Charoen Pokphand Foods Public Company Limited (gọi tắt là CPF), thuộc Tập đoàn C.P Thái Lan sở hữu. CP Việt Nam đang phát triển kinh doanh theo chuỗi 3F khép kín gồm Feed (thức ăn chăn nuôi), Farm (trang trại), Food (thực phẩm).

Theo thông tin trên website của C.P Việt Nam, đơn vị này sở hữu các trang trại gồm heo, gà, tôm, cá. Trong đó, C.P Việt Nam có khoảng 14 trại nuôi tôm nằm rải rác ở Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu, Bình Định, Sóc Trăng, Bến Tre, Kiên Giang.

C.P Việt Nam có thể sở hữu trên 9% cổ phần của Sao Ta (FMC) - doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn thứ ba Việt Nam - Ảnh 1.

Bên trong nhà máy sản xuất tôm của Sao Ta. (Ảnh minh hoạ: Thực phẩm Sao Ta).

Về phía Sao Ta, hiện doanh nghiệp đang đứng thứ ba về xuất khẩu tôm Việt và sở hữu vùng nuôi với 270 ha.

Hiện, Sao Ta có 4 nhà máy chế biến đang hoạt động ở Sóc Trăng đồng thời đang xây dựng hai nhà máy mới với công suất chung 20.000 tấn/năm, mức đầu tư gần 400 tỷ đồng, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Qua đó, có thể thấy được tham vọng của C.P khi trở thành đối tác chiến lược của Sao Ta.

9 tháng đầu năm, doanh số tiêu thụ của Sao Ta đạt gần 155 triệu USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 77% mục tiêu năm. 

Trao đổi với người viết về lợi nhuận 9 tháng, Chủ tịch Sao Ta tiết lộ con số lợi nhuận sau thuế hợp nhất ước khoảng 180 tỷ, tăng khoảng 11% so với cùng kỳ nhờ nền tảng 7 tháng tăng tốt trước khi giảm mạnh vào tháng 8 do giãn cách xã hội.

Thời gian gần đây, loạt lãnh đạo cấp cao như Chủ tịch, Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban kiểm soát, Kế toán trưởng và người nhà đồng loạt đăng ký bán cổ phần tại Sao Ta qua giao dịch thoả thuận. 

Người thực hiện giao dịchBán qua giao dịch thoả thuận từ 5 - 7/10
Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT300.000 cp
Bà Dương Kim Ngọc, vợ Chủ tịch HĐQT245.100 cp
Ông Hồ Hoa Đông, con của Chủ tịch HĐQT60.000 cp
Ông Đinh Văn Thới, Phó Tổng Giám đốc50.000 cp
Bà Nguyễn Như Diễm Quỳnh, vợ ông Thới 33.900 cp
Bà Lưu Nguyễn Trúc Dung, Trưởng Ban kiểm soát23.990 cp
Ông Tô Minh Chẳng, Kế toán trưởng180.000 cp

Loạt lãnh đạo và người nhà đồng loạt bán ra cổ phiếu khi cổ phiếu FMC lập đỉnh lịch sử. Phiên 7/10 ghi nhận cổ phiếu FMC lập đỉnh ở mức giá 51.900 đồng/cp, tăng trên 60% từ giữa tháng 7 và ghi nhận điều chỉnh về 50.500 đồng/cp chốt phiên 12/10.

C.P Việt Nam sẽ sở hữu trên 9% cổ phần của Sao Ta - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu FMC từ khi niêm yết tới nay. (Nguồn: TradingView).

Hoàng Kiều

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.