|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nhà Trắng: Đàm phán thương mại với Trung Quốc còn nhiều vướng mắc

10:09 | 06/04/2019
Chia sẻ
Liên quan đến cuộc đàm phán thương mại diễn ra trong ba ngày với Trung Quốc, Nhà Trắng hôm qua (ngày 5/4) vừa đưa ra một tuyên bố, trong đó báo hiệu rằng hai bên vẫn chưa sẵn sàng kí một thỏa thuận cuối cùng, theo Nikkei Asian Review.
Nhà Trắng: Đàm phán thương mại với Trung Quốc còn nhiều vướng mắc - Ảnh 1.

Tổng thống Trump nói chuyện với các phóng viên trước khi rời Nhà Trắng vào hôm qua.

Mỹ và Trung Quốc đã có "các cuộc họp hữu ích và đạt được tiến bộ về nhiều vấn đề chủ chốt", theo tuyên bố của Thư kí Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders.

Tuy nhiên, tuyên bố trên cho biết thêm rằng "nhiều vướng mắc quan trọng vẫn còn tồn đọng" và các quan chức, thứ trưởng và thành viên phái đoàn của hai nước sẽ tiếp tục liên lạc với nhau nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại.

Đầu ngày hôm qua, các quan chức chính quyền Trump đã từ chối đưa ra thời gian biểu cho các cuộc đàm phán, qua đó làm giảm khả năng có một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình vào cuối tháng 4 này.

"Đây không phải là vấn đề thời gian, mà là nhằm đạt được một thỏa thuận có lợi", cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cho hay trên Bloomberg TV vào sáng hôm qua.

Ông Kudlow từng nói rằng vòng đàm phán thương mại bắt đầu ở Washington vào ngày 3/4 có thể kéo dài hơn ba ngày và tiếp tục diễn ra trong cuối tuần. Tuy nhiên vào hôm qua ông cho biết rằng điều này sẽ không xảy ra.

"Phó Thủ tướng Lưu Hạc phải quay trở lại Bắc Kinh", ông Kudlow nói.

Một nguồn tin thân cận đã nói với Nikkei rằng ông Lưu Hạc lên máy bay rời khỏi Washington vào thứ Sáu (5/4).

Các nhà đàm phán chính sẽ tiếp tục đàm phán thông qua hệ thống hội thảo từ xa (teleconference) vào tuần tới, ông Kudlow nói. Tuy nhiên, khi được hỏi về thời gian biểu thực tế cho việc kết thúc các cuộc đàm phán, ông Kudlow trả lời, "Chúng tôi chưa bao giờ có một thời hạn nào...cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung không phụ thuộc vào thời gian biểu".

Sau đó, khi rời Nhà Trắng để đi đến biên giới phía nam, ông Trump đã ca ngợi cuộc đàm phán với Trung Quốc là một thành công lớn, nhưng nói thêm rằng ông không muốn dự đoán có một thỏa thuận hay không.

Hai nước ban đầu cho rằng họ có thể đạt được một thỏa thuận cơ bản tại cuộc hội đàm trong tuần này và sẽ tổ chức một lễ kí kết giữa hai nhà lãnh đạo vào cuối tháng 4.

Tuy nhiên, khi ông Trump mời Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Phòng Bầu dục vào ngày 4/4, ông đã nói với các phóng viên rằng thỏa thuận thương mại có thể sẵn sàng trong 4 tuần nữa và hai nước cần thêm hai tuần để soạn thảo các thủ tục giấy tờ, gần như loại trừ khả năng có một hội nghị thượng đỉnh vào tháng 4.

Khi ông Trump và ông Tập gặp nhau ở Argentina, họ đã đồng ý thiết lập khung thời gian 90 ngày để đạt được một thỏa thuận thương mại. Nếu cuộc đàm phán kéo dài đến tháng 5, các cuộc hội đàm đã vượt quá 150 ngày.

Một số chuyên gia lo ngại rằng hai bên sẽ không thể đi đến một thỏa thuận cho đến cuộc họp Nhóm 20 diễn ra tại Osaka, mà cả ông Trump và ông Tập đều sẽ tham gia.

Một điểm vướng mắc chính là việc dỡ bỏ thuế quan trừng phạt. Các chuyên gia thương mại tại Washington, chẳng hạn như ông Peter Navarro - cố vấn thương mại của Nhà Trắng, muốn giữ lại một số thuế quan như một đòn bẩy nhằm đảm bảo Trung Quốc sẽ thực hiện lời hứa của mình. Trong khi đó, quan điểm của Bắc Kinh là ông Trump và ông Tập phải đồng ý dỡ bỏ toàn bộ thuế quan khi kí kết thỏa thuận thương mại.

Trần Nam Thi

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.