Nhà sáng lập Huyndai: 'Không có thất bại, chỉ có thử thách'
Bốn lần bỏ nhà để thoát kiếp nông dân
Nhà sáng lập Tập đoàn Huyndai Chung Ju-Yung sinh ngày 25/11/1915 tại vùng quê Asan (nay thuộc hạt Tongchon, tỉnh Kangwon, CHDCND Triều Tiên), là con cả trong gia đình nông dân nghèo 8 người con. Học hết tiểu học, cha Ju-Yung buộc ông nghỉ học để giúp gia đình với mong con mình sẽ trở thành một người nông dân giỏi.
Trong cuốn hồi ký của mình, ông chia sẻ: “Ngay từ nhỏ, ngày nào cũng vậy, cứ đúng 4 giờ sáng là cha đánh thức tôi dậy và dẫn ra đồng. Ðến nơi thì mặt trời cũng vừa ló dạng. Thế là tôi bắt đầu ngày làm ruộng vất vả ngoài đồng mà chẳng lúc nào ngơi nghỉ. Tuy chỉ là cảm nhận của một đứa trẻ nhưng tôi cũng hiểu được nghề nông chẳng mang lại bao nhiêu lợi ích so với công sức cực nhọc bỏ ra. Tôi thở dài và tự hỏi, chẳng lẽ cả đời mình sẽ sống cuộc sống thế này sao ?”.
Không cam chịu cuộc sống ở quê nhà, Ju-Yung quyết đinh xuống miền Nam để tìm hướng đi cho tương lai.
Trong lần trốn nhà đầu tiên, ông được nhận làm công nhân xây dựng đường xe lửa Bình Nhưỡng – Gowon khi tới thị trấn Kowon. Mặc dù phải làm việc nhiều mà lương lại thấp nhưng Chung Ju-yung vẫn thích thú với việc có thể độc lập kiếm được tiền. Được hai tháng thì ông bị cha tìm thấy và đưa về.
Lần thứ hai trốn nhà thứ hai của Chung Ju-Yung kết thúc chóng vánh, khi ông bị lừa hết tiền và được một một người bà con đưa về chỉ sau 10 ngày.
Đến lần thứ ba, ông trộm 70 won tiền bán bò của bố để lên Seoul học kế toán. Mọi chuyện diễn ra êm xuôi trong hai tháng thì cha của ông lại đến tìm ông. Lần này người cha không mắng mà chỉ nói vài lời "Con phải nhớ con là một thằng nhà quê học hết cấp 1, ở Seoul người ta học hết trường Cao đẳng còn thất nghiệp đầy cả đống. Cha già rồi, con là con trưởng thì phải giúp cha, con mà bỏ mặc thì cả nhà sẽ thành bầy ăn mày". Ju-Yung lặng lẽ trở về nhà trong nước mắt.
Sau ba lần ly hương không thành, Chung Ju-yung vẫn không từ bỏ giấc mơ thoát nghèo. Ông nhớ đến câu chuyện về con ếch xanh muốn nhảy lên cành cây liễu, nhưng vì cành cây cao quá nên nó không chạm đến được. Không nản chí, ếch tiếp tục nhảy rất nhiều lần… và cuối cùng cũng thành công. Ông thầm nghĩ: “Lẽ nào mình thua một con ếch xanh ?”.
Lần thứ tư trốn nhà, Ju-yung xin được một chân khuân vác ở công trình xây dựng trường học Bosung (ÐH Hàn Quốc bây giờ). Ông tiếp tục tìm việc và trở thành nhân viên phân phối gạo lẻ, rồi sau đó là kế toán cho của hàng gạo "Phục hưng Thương hội".
Ảnh: Newsworld.co.kr |
Do sự cần mẫn, thật thà và nhiệt thành trong công việc, Ju-yung được chủ cửa hàng rất tin tưởng. Sau 4 năm làm việc, ông chủ quyết định trao lại cửa hàng cho Ju-yung thay vì đứa con trai ăn chơi, trác táng của mình.
Từ một người nông dân không xu dính túi, Chung Ju-yung đã có trong tay một cửa hàng phân phối gạo lớn khi mới 22 tuổi.
Ba lần vươn lên từ đống tro tàn
Tháng 12/1939, chế độ phân phối gạo thời chiến được ban bố, tất cả cửa hàng gạo ở Triều Tiên buộc phải đóng cửa.
Sản nghiệp tiêu tan trong phút chốc, Chung Ju-yung trở về quê một thời gian trước khi quay trở lại Seoul tìm vận hội mới. Ông quyết định thâm nhập vào lĩnh vực sửa chữa xe hơi bằng việc mua lại một xưởng sửa xe của người bạn với số vốn vay 3.000 won.
Mọi việc ban đầu đều trôi chảy, khách đến ngày càng đông. Nhưng không may, một buổi sáng, sự sơ ý của một công nhân đã khiến cả khu xưởng bốc cháy, trong đó có cả những chiếc xe đắt tiền vừa sửa xong của khách. Tất cả thành tro bụi, Ju-yung đứng trước nguy cơ phá sản, nợ chồng chất.
Ông chấp nhận đi vay nặng lãi để xây dựng lại nhà xưởng và làm việc như một công nhân cả ngày lẫn đêm. Để cạnh tranh với các xưởng sửa chữa khác, ông đề ra tiêu chí sửa nhanh gấp 2 - 3 lần, với giá cao hơn mặt bằng chung. Chiến lược này tỏ ra rất hiệu quả, Ju-yung đã trả hết nợ và liên tục mở rộng quy mô nhà máy.
Năm 1943, chính phủ chiếm đóng Nhật Bản buộc xưởng sửa chữa phải sáp nhập với một nhà máy thép. Một lần nữa cơ nghiệp bị đổ bể, Ju-yung về quê với 50.000 won tiền tiết kiệm để chờ đợi thời cơ mới.
Năm 1946, Triều Tiên được giải phóng khỏi sự xâm lược của đế quốc Nhật. Ông quay lại Seoul, mở rộng mặt bằng, tìm thêm khách hàng trong giới quân đội và người ngoại quốc. Ngày 25/5/1947, Công ty công nghiệp xe hơi Huyndai ra đời, Chung Ju-yung là giám đốc. Công ty của ông sau đó mở rộng hoạt động sang lĩnh vực xây dựng.
Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ năm 1950, Chung Ju-yung cùng con trai chạy nạn về Busan. Ở đây, ông tiếp tục xây dựng công ty bằng cách làm tất cả công việc mà ông có thể có từ Lực lượng Liên Hiệp Quốc và của Bộ Giao thông. Khi cuộc chiến kết thúc, ông khôi phục lại công ty ở Seoul và tiếp tục nhận được nhiều hợp đồng từ người Mỹ.
Từ đó về sau, Chung Ju-yung tiếp tục phát triển và đa dạng hóa công ty trở thành một tập đoàn lớn của Hàn Quốc và thế giới, mổi bật trong lĩnh vực đóng tàu và sản xuất xe hơi.
Ảnh: Geec.gist.ac.kr |
Nhà quản lý có sự cần mẫn của một người nông dân
Nhìn lại sự nghiệp đầy biến động của mình, Chung Ju-Yung cho rằng tính cần cù của cha mẹ là bài học quý giá của cuộc đời ông, là di sản nền tảng đưa ông đến với sự thành công.
Trong hồi ký của mình Ju-Yung viết: “Người lười nhác hay đổ lỗi cho số phận, đến khi gặp cơ hội cũng do lười nhác mà để chúng trôi qua và rồi họ phải sống cả một cuộc đời chẳng có chút may mắn nào”.
Ý chí tiến thủ và niềm tin của một người nông dân chính là chìa khóa để đổi vận và làm nên kỳ tích. Dù là một quốc gia hay một doanh nghiệp thì cội nguồn để thành công nằm ở việc những nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp đó, quốc gia đó có tinh thần tiến thủ mạnh mẽ ra sao và hành động như thế nào. Cuộc đời và những quyết tâm đổi mới kinh tế của Chung Ju-Yung đáng để cho bất kỳ quốc gia nào muốn thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu học hỏi.
Không có thất bại, chỉ có thử thách
Sức mạnh của Chung Ju-yung chính là ở chỗ ông luôn xem các thất bại - cho dù là thất bại cay đắng nhất - không phải là thất bại, mà chỉ là những thử thách của cuộc sống để tôi rèn bản lĩnh của chính mình.
Chung Ju-yung luôn tâm niệm rằng chính nỗ lực của chúng ta trong cuộc sống mới quyết định đến việc thành công hay thất bại mà thôi. Nỗ lực đó thể hiện ở chỗ gặp dịp tốt không bỏ lỡ và lúc gặp khó khăn thì không xem đó là rủi ro mà cố gắng vượt qua để tiến bước.
Ảnh: Hemmings |
Con người khi rơi vào cảnh khốn cùng thường hay nói những lời tuyệt vọng như: “không còn con đường nào khác” hoặc “không còn cách nào khác”. Ju-yung cho rằng sự thật không phải vậy. Chỉ vì không nỗ lực tối đa nên họ không thể tìm thấy phương pháp nào khác.
“Một người không tin là có vận xấu, người đó sẽ không có vận xấu. Mọi thứ đều quân bình, vận may rủi đều đến với con người như nhau. Quan trọng nhất là phải nỗ lực, nỗ lực không ngừng và biết chớp thời cơ”, ông chia sẻ.