Nhà máy từ chối thu mua, mía bán rẻ như cho
Mía cháy, dân bán tháo cắt lỗ | |
Hàng nghìn héc-ta mía ở Sóc Trăng đang 'chết dần' |
Tại Tây Nguyên, vùng trọng điểm về mía của cả nước, đã qua thời các nhà máy tranh giành nguyên liệu. Thậm chí, tại các huyện thị phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, còn có tình trạng nhà máy từ chối thu mua hàng nghìn ha mía của nông dân, khiến nhiều người chấp nhận bán rẻ như cho.
Bà Nguyễn Thị Nhân, xóm Tây Sơn, xã Ia Peng, huyện Phú Thiện cho biết, gần 10 ha mía đầu tư trị giá gần 400 triệu đồng nhưng nay không biết bán cho ai khi Nhà máy đường Ayun Pa thông báo sẽ không mua mía của gia đình bà. Lý do là vì bà không ký kết hợp đồng đầu tư với nhà máy này.
Đi hỏi các nhà máy đường ở vùng khác, bà Nhân cũng bị từ chối mua vì không thuộc vùng nguyên liệu được quy hoạch. Chán nản vì không thể bán mía cho nhà máy, bà Nhân chấp nhận bán cho thương lái với giá rẻ như cho là 5.000.000 đồng/ha, tính ra giá chỉ khoảng 60.000 đồng/tấn mía.
Người dân lo lắng vì không biết bán mía cho ai |
“Năm ngoái nhà máy thu mua một nửa, tôi bán ở ngoài một nửa. Năm nay tôi xuống nhà máy thì họ nói không thu mua nên tôi bán đổ, bán tháo, rồi dọn rẫy, cày đất trồng sắn, trồng cây khác chứ nhà máy nói trồng mía cũng không thu mua nữa”, bà Nguyễn Thị Nhân buồn bã nói.
Cùng chung hoàn cảnh, bà Nguyễn Thị Diễm Thúy, thôn Lơ Pai, xã Ia Piar, huyện Phú Thiện đang đứng ngồi không yên vì 6 ha mía cũng không biết bán cho ai. Bà Thúy cho biết, đã có hơn 10 năm bán mía cho Nhà máy đường Ayun Pa nhưng không ký kết hợp đồng vì khi ký kết, khoản tiền nhà máy đầu tư cũng tính lãi như ngân hàng, trong khi đó, gia đình bà có vốn để đầu tư. Chính vì không ký kết hợp đồng trồng mía mà niên vụ này, Nhà máy đường Ayun Pa từ chối thu mua. Trong khi đó, thời điểm này đã chuẩn bị bước vào cuối vụ mía, lại bước vào cao điểm mùa khô, tình trạng cháy mía liên tiếp xảy ra, bà Thúy dự định bán đổ bán tháo cả 6 ha và sẽ phải chịu một khoản lỗ không nhỏ.
“Như nhà tôi mấy năm trước không nhận đầu tư của nhà máy, nhưng nhà máy vẫn cho chúng tôi sắp lịch chặt. Năm nay đùng cái nhà máy nói những người không ký kết đầu tư là không mua. Giờ kiểu bán mía dọn rẫy, rẻ lắm, chỉ có 5.000.000 – 6.000.000 đồng/ha. Riêng gia đình tôi, ước lượng là mất trắng 200 triệu đồng, còn công sức làm cả năm không được gì”, bà Thúy cho biết.
Các huyện thị phía Đông Nam tỉnh Gia Lai gồm Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa và thị xã Ayun Pa có vùng nguyên liệu mía gần 13.000 ha và được UBND tỉnh Gia Lai quy hoạch vùng nguyên liệu này cho Nhà máy đường Ayun Pa thuộc Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai.
Theo thống kê, có khoảng 1.200 - 1.500 ha mía trong vùng, nông dân không ký hợp đồng với Nhà máy đường Ayun Pa. Toàn bộ diện tích này nông dân hiện chưa biết bán cho ai vì phía nhà máy đường từ chối thu mua.
Thu mua mía tại Nhà máy đường Ayun Pa |
Ông Mai Ngọc Quý, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Thiện cho biết, huyện có hơn 600 ha mía nông dân không hợp đồng với nhà máy. Trước những kiến nghị, phản ánh của nông dân, huyện đã làm việc với Nhà máy đường Ayun Pa. Tuy nhiên, nhà máy này chỉ hứa sẽ xem xét, chưa rõ có thể thu mua cho nông dân được hay không.
Về phía Công ty TNHH MTV Thành Thành Công Gia Lai, ông Nguyễn Bá Chủ, Chủ tịch Công ty cho biết, năm nay hoạt động của nhà máy đường gặp nhiều khó khăn. Dự đoán trước được tình hình nên ngay khi kết thúc niên vụ trước, phía Công ty đã lên kế hoạch cho vụ ép với diện tích vùng nguyên liệu khoảng 11.500 ha với khoảng 4.000 nông dân hợp đồng với công ty. Số diện tích này đã đủ để công ty hoạt động theo kế hoạch nên sẽ không thu mua mía ngoài hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Bá Chủ: “Anh không ký hợp đồng với tôi thì giữa tôi với anh không có trách nhiệm gì cả, sản phẩm anh làm ra có quyền bán cho tôi hoặc bất kỳ ai, đó là thị trường. Tôi không có nhu cầu thì tôi không mua. Đã vào cuộc chơi rồi, anh muốn đứng riêng thì anh chịu. Nhưng nếu như năm nay xong rồi, năm tới, họ muốn ký hợp đồng thì chúng tôi vẫn ký. Nhưng khi ký lại thì phải làm ăn đàng hoàng”, ông Nguyễn Bá Chủ nhấn mạnh.
Ngành mía đường cả nước đang phải đối diện với nhiều khó khăn trong niên vụ mía 2017-2018. Từ thực tế tại các huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai cho thấy, để bước vào cuộc chơi sòng phẳng khi hội nhập, liên kết sản xuất là điều tất yếu để cả nông dân và nhà máy trụ vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt với ngành mía đường các nước.