Chỉ mở rộng công suất, không xây mới thêm nhà máy đường
Nhà máy đường gây ô nhiễm bị phạt hơn 3 tỷ đồng | |
Các nhà máy đường trước nguy cơ thiếu nguyên liệu | |
Hậu Giang: Nhà máy đường ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa ký Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS phê duyệt Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo hướng cơ cấu lại ngành sản xuất và kinh doanh mía đường Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt với đường ngoại nhập.
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định 300.000 ha, sản lượng mía trên 20 triệu tấn; sản lượng đường 2,0 triệu tấn. Đến năm 2030, giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn.
Định hướng sản xuất đường đến năm 2020 là không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.
Ngoài ra, nâng tỷ lệ đường tinh luyện; tận dụng các phụ phẩm từ sản xuất mía đường để sản xuất điện, cồn, phân vi sinh và các sản phẩm phụ khác để tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường.
Đề án cũng nêu rõ, đến năm 2020, trong 2,0 triệu tấn đường có 1,3 triệu tấn đường tinh luyện, 0,7 triệu tấn đường trắng và đường khác; không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu. Tổng công suất thiết kế của các nhà máy là 174.000 tấn mía/ngày.
Ngoài ra, tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đuồng trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Đến năm 2020, có ít nhất trên 70% nhà máy (cụm nhà máy) có công suất trên 4.000 tấn mía/ ngày; rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110-115 ngày/vụ.
Đến 2030, tổng công suất thiết kế của các nhà máy khoảng 230.000 tấn mía/ngày; sản lượng đường khoảng 2,5 triệu tấn, trong đó đường tinh luyện là 1,6 triệu tấn, đường trắng và các loại đường khác 0,9 triệu tấn. Có trên 90% nhà máy (cụm nhà máy) đạt công suất từ 4.000 tấn/mía ngày trở lên.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đa dạng hóa sản phẩm mía đường như cải thiện giá điện sinh khối để các doanh nghiệp đầu tư có hiệu quả cho sản xuất điện từ bã mía. Cùng với chủ trương của Nhà nước bắt buộc các phương tiện vận tải sử dụng xăng E5, chú trọng nghiên cứu và hỗ trợ sản xuất ethanol làm nhiên liệu sinh học từ mía và mật rỉ…
Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường lậu hiệu quả, tập trung vào các đầu mối buôn lậu lớn và có chế tài xử phạt nghiêm khắc; xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thị trường đường thế giới để chủ động tham gia vào các giao dịch khi có đủ điều kiện …