|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Mía đường lại ngồi trên 'chảo lửa'

09:26 | 02/05/2018
Chia sẻ
Ngành mía đường Việt Nam lại đang đứng trước nguy cơ khó khăn khi lượng đường tồn kho lớn và phải đối mặt với đường lậu ồ ạt xâm nhập vào thị trường.
mia duong lai ngoi tren chao lua Ngành mía đường trong cơn bĩ cực: Những việc cần làm ngay
mia duong lai ngoi tren chao lua Ngành mía đường trong cơn bĩ cực: Quá nửa lạc hậu

Liên tục gặp khó

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, bên cạnh lượng tồn kho lớn của niên vụ 2016/2017, thì bước vào niên vụ mới, tính đến ngày 15/4/2018, lượng đường tồn kho đã lên tới 680.273 tấn, tồn kho tại các công ty thương mại là 12.281 tấn. Như vậy, lượng đường tồn kho đang chiếm tới hơn 1 nửa sản lượng đường từ đầu vụ đến giữa tháng 4, và gần bằng mức tồn kho của cùng kỳ 2017 (vào thời điểm cuối tháng 4/2017, đường tồn kho tại các nhà máy và công ty thương mại lên tới 717.000 tấn). Con số này đang tiếp tục tăng lên khiến nhiều nhà máy rơi vào tình cảnh lao đao, việc trả tiền mía cho nông dân bị chậm lại.

Cùng với đó, giá đường liên tục sụt giảm ở thị trường trong nước và thế giới khiến việc tiêu thụ đường khó khăn bội phần. Đến thời điểm này, giá đường bán tại các nhà máy đã bán gần ngang giá đường nhập lậu, một số nhà máy đã bán thấp hơn giá thành sản xuất để giảm bớt lượng đường tồn kho (11.400-12.000 đồng/kg).

Lý giải về nguyên nhân khiến lượng đường tồn kho cao, ông Hà Hữu Phái, Trưởng đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam tại Hà Nội cho biết, thị trường đường thế giới đang gặp nhiều khó khăn, giá xuống thấp. Lượng đường thế giới tăng cao kỷ lục với 178 triệu tấn, hơn năm ngoái 10 triệu tấn, dư thừa trên 5 triệu tấn so với nhu cầu, khiến giá đường giảm xuống mức thấp nhất trong 4 năm trở lại đây.

Ngoài những nguyên nhân nêu trên thì ngành mía đường Việt Nam còn vô số khó khăn, bất cập khác như: diện tích nhỏ lẻ, manh mún, cho nên việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến năng suất, chất lượng kém. Bên cạnh đó, nhiều nhà máy đường có công suất ép nhỏ, trang thiết bị lạc hậu làm giá thành sản phẩm tăng lên, gây khó khăn trong việc cạnh tranh với đường của một số nước có thế mạnh hơn.

Trong khi đường trong nước ế ẩm, nhiều nhà máy sản xuất đường rơi vào cảnh “sống dở chết dở”, ngành mía đường còn thêm trầy trật vì đường lậu, đường giả. Ông Hà Hữu Phái cho biết, ngành mía đường Việt Nam đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi vấn nạn đường lậu. Năm nay, lượng đường sản xuất của Thái Lan khoảng 12 triệu tấn, tăng hơn 2 triệu tấn so với vụ trước. Do lượng đường Thái Lan lớn nên đã xuất lậu sang các quốc gia lân cận như Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar… Hiện, đường lậu không chỉ có nguồn gốc từ Thái Lan hoạt động ở biên giới Tây Nam, mà đã có cả đường đường tạm nhập tái xuất, sản xuất hàng xuất khẩu.

Theo ông Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam: Về hàng giả và gian lận thương mại mặt hàng đường vi phạm quy định Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14.4.2017 về nhãn hàng hóa đang diễn ra công khai, dưới nhiều hình thức như: Đường nhập lậu thường được gỡ bỏ bao bì của nước sản xuất, sau đó sử dụng bao bì, nhãn mác hoặc in theo mẫu bao bì nhãn mác của các nhà máy/Cty đường trong nước.

Doanh nghiệp, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền tại địa phương cấp phép hoạt động “sản xuất, chế biến, kinh doanh” mặt hàng đường, thường đóng bao 1kg hoặc 50kg, ghi nhãn mác không rõ ràng (không ghi xuất xứ nhà máy sản xuất, không ghi ngày sản xuất, chỉ ghi chung chung: "Đường mía Việt Nam chất lượng cao", "đường luyện xuất khẩu", "sản xuất tại các nhà máy đường Việt Nam"...). Chủ 1 DN sản xuất mía đường cho rằng: “Không loại trừ những loại đường trong bao kia chính là đường lậu được các đầu nậu “sang bao” (san chiết sang các túi nhỏ) để đưa về địa phương tiêu thụ.

Chưa bình luận về chất lượng, chỉ riêng việc “sang bao” đã vi phạm quy định về nhãn mác, bao gói”. Một vấn nạn khác là, đường lỏng (tinh bột bắp, HFCS - High-Fructose Corn Syrup, gọi tắt là đường lỏng, hay còn gọi là đường hóa học) nhập lậu Việt Nam ngày càng tăng và giá ngày càng giảm đã không chỉ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng Việt Nam.

Ngoài đường lậu, thời gian qua, một lượng lớn đường lỏng được nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện, có 3 quốc gia đang xuất khẩu tới 80% lượng đường lỏng vào Việt Nam với thuế suất 0% là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. Thông thường, đường lỏng Trung Quốc nhập về Việt Nam phải chịu mức thuế 13%, thế nhưng, để né khoản thuế này, đường lỏng Trung Quốc được tuồn qua các nước ASEAN, sau đó mới xuất vào Việt Nam để được miễn thuế, né thuế. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2015 có 67.384 tấn đường lỏng vào Việt Nam; năm 2016 đã tăng lên 70.090 tấn; đến năm 2017 tăng vọt lên tới 89.434 tấn... Điều đáng nói, loại đường này được bán với mức giá thấp, không chỉ ảnh hưởng đến ngành mía đường trong nước mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam.

mia duong lai ngoi tren chao lua

Cần giải pháp tổng thể

Theo ý kiến của một số doanh nhân ngành đường, tồn kho đường ở Việt Nam không giống như trên thế giới. Trên thế giới, tồn kho đường lên tới 50% so với tiêu thụ là chuyện bình thường, vì đường tồn kho được rải đều trong toàn bộ hệ thống ngành đường, từ sản xuất tới thương mại…, nên áp lực lên các nhà máy đường không lớn. Còn ở Việt Nam, tồn kho lại hầu như dồn về các nhà máy đường (bằng chứng là trong gần 700.000 ngàn tấn đường tồn kho tới giữa tháng 4, có tới 680.273 tấn ở các nhà máy, tồn kho tại các công ty thương mại chỉ là 12.281 tấn). Bởi mỗi khi tiêu thụ gặp khó khăn, là các công ty thương mại lại tạm ngưng mua đường của các nhà máy.

Trong khi phải chịu áp lực tồn kho quá lớn, các nhà máy vẫn tiếp tục phải thu mua mía cho nông dân. Do đó, lại càng khó khăn hơn.

Từ những thực trạng nêu trên, ông Phái lo rằng, Việt Nam lại vẫn ưu ái thuế nhập khẩu đường lỏng sẽ gây thêm khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Để giảm bớt khó khăn cho ngành đường, Hiệp hội mía đường Việt Nam kiến nghị cần đưa ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng này. Đồng thời, kiến nghị Cục Quản lý Thị trường, Tổ công tác đặc biệt, Ban chỉ đạo 334, Bộ Công Thương phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thuộc Ban chỉ đạo 389 Quốc gia triển khai có hiệu quả các giải pháp chống buôn lậu hàng giả, gian lận thương mại mặt hàng đường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới ban hành Đề án phát triển mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó, sẽ rà soát, xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu mía theo hướng phát huy lợi thế vùng; nâng cao hiệu quả sản xuất, hạ giá thành mía nguyên liệu. Đồng thời, nâng cao năng lực chế biến, đổi mới cơ cấu sản phẩm đường, đa dạng hóa các sản phẩm sau đường, cạnh đường, tận dụng tối đa phụ phẩm sau chế biến để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát những nhà máy, những vùng không có khả năng đáp ứng nguyên liệu để có thể di chuyển nhà máy đến vùng có lợi thế hơn. Đảm bảo sản xuất mía ổn định 300.000 ha và không xây dựng thêm nhà máy sản xuất đường mới, chỉ mở rộng công suất các nhà máy hiện có ở vùng còn khả năng phát triển vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó sẽ tập trung đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ để thay đổi cơ cấu sản phẩm (tăng tỷ lệ đường trắng, đường tinh luyện), nâng cao công suất ép và hiệu suất thu hồi. Phấn đấu đến năm 2020 cả nước có ít nhất hơn 70% nhà máy, cụm nhà máy có công suất hơn 4.000 tấn mía/ngày, rút ngắn thời gian ép bình quân còn 110 đến 115 ngày/vụ. Cùng với đó khuyến khích các nhà máy đầu tư sản xuất sản phẩm từ phế phụ phẩm sản xuất đường để nâng cao hiệu quả.

Song song với đó, cần đẩy mạnh các hoạt động ngăn chặn đường lậu hiệu quả, tập trung vào các đầu mối buôn lậu lớn và có chế tài xử phạt nghiêm khắc; xây dựng hệ thống dữ liệu, cập nhật thông tin thị trường đường thế giới để chủ động tham gia vào các giao dịch khi có đủ điều kiện…

Nha Trang