|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành mía đường trong cơn bĩ cực: Những việc cần làm ngay

20:20 | 14/04/2018
Chia sẻ
Trong khi chờ quyết sách thuế ATIGA mới từ Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và bản thân ngành mía đường vẫn còn rất nhiều việc có thể làm ngay để cải thiện tình hình.
nganh mia duong trong con bi cuc nhung viec can lam ngay Ngành mía đường trong cơn bĩ cực: Quá nửa lạc hậu
nganh mia duong trong con bi cuc nhung viec can lam ngay Bình Định kêu gọi nhà máy đường An Khê mua mía 'cứu' nông dân

Bất cập tạm nhập tái xuất

Theo lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong bối cảnh ngành mía đường trong nước đang chồng chất khó khăn khi tồn kho trên nửa triệu tấn, Bộ Công thương và tỉnh Lào Cai lại kiến nghị Chính phủ xin gia hạn tạm nhập tái xuất mặt hàng đường đến hết ngày 31/12/2019 khiến nhiều doanh nghiệp mía đường trong nước sốc.

nganh mia duong trong con bi cuc nhung viec can lam ngay
Dù ATIGA được gia hạn hay không ngành mía đường trong nước vẫn buộc phải tái cơ cấu

Số liệu thống kê cho thấy, kể từ khi Bộ Công thương đề xuất Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất 220.000 tấn đường năm 2015, việc tiêu thụ đường của các doanh nghiệp trong nước qua tiểu ngạch giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2012 chúng ta xuất được 52.000 tấn, năm 2013 xuất được hơn 175.000 tấn, năm 2014 xuất được 180.000 tấn, năm 2015 xuất được 81.000 tấn. Nhưng riêng hai năm 2016 và 2017, giai đoạn bắt đầu cho phép 220.000 tấn đường tạm nhập tái xuất, các doanh nghiệp mía đường trong nước gần như không bán được tấn nào, thay vào đó chủ yếu là đường Thái Lan tái xuất qua Việt Nam.

Trước đó, các doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập tái xuất đều giúp tiêu thụ đường trong nước, nhưng do đường giá rẻ Thái Lan mang lại lợi nhuận lớn hơn nên từ 2015 các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này thay vì tiêu thụ đường trong nước đã chuyển qua tạm nhập tái xuất đường Thái Lan. Hạn ngạch Bộ Công thương, Chính phủ cho phép tạm nhập tái xuất qua địa bàn tỉnh Lào Cai với thời hạn đến ngày 31/12/2017 là 220.000 tấn.

Nhưng báo cáo của UBND tỉnh Lào Cai và các doanh nghiệp cho thấy, tỷ lệ thực hiện giấy phép tạm nhập tái xuất đường đến hết năm 2017 chỉ đạt khoảng 43,73%, trong đó một số doanh nghiệp đã nhập đường về nhưng chưa xuất được.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tạm nhập tái xuất, Bộ Công thương có kiến nghị Chính phủ theo hướng cho phép gia hạn thực hiện các giấy phép tạm nhập tái xuất đường đã cấp đến hết ngày 31/12/2019.

nganh mia duong trong con bi cuc nhung viec can lam ngay

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, một lãnh đạo VSSA cho hay, đến thời điểm này bản thân ông cũng không biết chính sách trên đã được thông qua hay chưa bởi các quyết định trên đa phần đóng dấu mật. Việc VSSA biết được chính sách tạm nhập tái xuất đường nhờ tình cờ thông qua công văn đề nghị cho ý kiến của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT). Nhưng một điều vị lãnh đạo VSSA khẳng định, đường sản xuất trong nước hiện nay gần như không thể đi qua được đường tiểu ngạch biên giới phía Bắc.

Thả cửa đường lỏng

Trong khi mặt hàng đường sản xuất từ mía và củ cải theo WTO đang phải chịu mức thuế suất vô cùng cao (40 - 45% trong hạn ngạch và 80 - 85% ngoài hạn ngạch) thì mỗi năm hàng trăm ngàn tấn đường lỏng vẫn được nhập vào Việt Nam với thuế suất 0%.

Theo các tài liệu khoa học trên thế giới đã được công bố, độ ngọt của đường lỏng HFCS gấp 1,1 - 1,3 lần so với đường trắng, chủ yếu để sử dụng sản xuất bánh kẹo, nước giải khát. Đường HFCS được chứng minh có nguy cơ làm tăng béo phì bởi có nguồn gốc làm từ bột bắp, nhưng điều bất hợp lí là Việt Nam lại đang ưu ái về thuế suất với mặt hàng đường có nguy cơ cao với sức khỏe này.

Đường lỏng, có tên viết tắt tiếng Anh là HFCS (High Fructose Corn Syrup) được chiết xuất từ bắp nên cũng có tên gọi khác là đường bắp. Hiện có ba quốc gia đang xuất khẩu tới 80% lượng đường lỏng vào Việt Nam với thuế suất 0% gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.

Mỹ hiện là quốc gia sản xuất đường lỏng lớn nhất thế giới, song thuế suất đường lỏng từ Mỹ vào Việt Nam hiện đang phải chịu mức thuế 22,5%. Từ đó, chúng ta hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn là đường lỏng từ ba quốc gia trên liệu có nguồn gốc từ Mỹ hay không?

Nếu như năm 2015, giá đường lỏng là 960 USD, cộng các khoản chi phí và vận chuyển và bị đánh thuế nhập khẩu vào Việt Nam 22%, đường lỏng không cạnh tranh được với đường trong nước. Tuy nhiên, từ khi diện tích ngô biến đổi gen tại Mỹ tăng cao khiến giá thành ngô giảm, thuế đường lỏng từ 3 quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan vào Việt Nam chỉ còn 0% nên dẫn tới mặt hàng đường lỏng nhập khẩu vào nước ta không ngừng tăng từ 2015 đến nay, hiện chỉ còn khoảng 390 USD/1 tấn.

Cụ thể, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, VSSA cho biết trong 2015 Việt Nam nhập 67.834 tấn đường HFCS, nhưng đến năm 2016 đã tăng lên 70.090 và năm 2017 đã tăng lên 89.434 tấn. Giả sử, nếu vẫn áp mức thuế 22,5% đối với mặt hàng đường HFCS trong 3 năm từ 2015 - 2017, ngân sách có thể thu được hơn 500 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch VSSA Phạm Quốc Doanh, việc ưu ái thuế suất đường lỏng vào Việt Nam từ ba quốc gia Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan đã hạn chế và gây khó khăn cho ngành mía đường trong nước. Do đường HFCS chủ yếu dùng cho sản xuất nước ngọt, bánh kẹo trong khi một số nước như Philippines đã cấm hãng Cocacola sử dụng loại đường này để sản xuất nước ngọt vì đường này không tốt cho sức khỏe người sử dụng. Do đó, VSSA đã có kiến nghị cần đưa ra các giải pháp để hạn chế nhập khẩu mặt hàng đường lỏng HFCS.

Tối ưu hóa ngành đường

Dù Chính phủ có đồng ý gia hạn chính sách thuế ATIGA hay không, để tồn tại và phát triển bền vững, ngành mía đường trong nước vẫn không còn con đường nào khác là tái cơ cấu triệt để từ khâu giống, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ.

nganh mia duong trong con bi cuc nhung viec can lam ngay

Kinh nghiệm tại các quốc gia có ngành mía đường phát triển hiện nay như Brazil, Thái Lan, Mỹ, Ấn Độ, Mexico,... đều cho thấy, để tồn tại và phát triển bền vững, ngành mía đường phải chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt là cân đối nhịp nhàng giữa việc sản xuất đường và cồn etanol. Cơ chế bình thông nhau này giúp các doanh nghiệp mía đường chủ động được việc lựa chọn giữa sản xuất cồn hay đường tùy vào giá cả của hai mặt hàng này trên thị trường. Do đó, việc đưa xăng sinh học E5 vào sử dụng đại trà là cơ hội rất tốt cho ngành mía đường Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh chuyển đổi công nghệ sản xuất, ngành mía đường trong nước phải tận dụng tối đa mọi phế phụ phẩm trong quá trình chế biến nhằm tăng nguồn thu lại giảm đượcchi phí phải xử lí môi trường. Cụ thể, bã mía sẽ được dùng làm nguyên liệu chất đốt cho nhà máy nhiệt điện, một mặt cung cấp nguồn điện ổn định cho hoạt động sản xuất của nhà máy, phần còn thừa hòa vào lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, một số phụ phẩm khác trong quá trình tinh luyện đường cũng được tận dụng làm phân bón, nước đóng chai, sản xuất bánh kẹo, sữa, nước ngọt.

Các doanh nghiệp mía đường có công suất nhỏ cũng nên tính tới chuyện sáp nhập, liên kết để hoạt động hiệu quả hơn. Hiện Đường Biên Hòa đã sáp nhập với Thành Thành Công và ký kết Kido để hoàn thiện từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Đường Khánh Hòa bán 65% cổ phần cho Vinamilk. Đường Quảng Ngãi hiện doanh thu chủ yếu đến từ mảng sản xuất sữa đậu nành, nước giải khát, bánh kẹo.

Nguyên Huân