|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Nhà đầu tư xoay xở tìm mô hình dự báo ảnh hưởng của dịch virus corona

13:18 | 10/02/2020
Chia sẻ
Các nhà phân tích thị trường đang dựa vào khoa học và nhiều phương pháp phức tạp để dự báo diễn biến của dịch virus corona trong tương lai. Một số nhà đầu tư dựa vào dịch SARS năm 2002-2003 để ước tính thời gian kéo dài của dịch hiện nay.
Các nhà đầu tư tìm kiếm mô hình để dự báo ảnh hưởng của virus corona - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới biến động mạnh vì virus corona. Ảnh: apnews.com

Các nhà đầu tư đang phải nhờ cậy những phương pháp không chính thống để tìm cách điều chỉnh theo các tác động virus corona tới thị trường chứng khoán. Các phương pháp cụ thể rất đa dạng, từ tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch bệnh đến phát triển mô hình thống kê.

Các thị trường trên khắp châu Á giảm điểm trong tuần trước khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, khiến hơn 800 người chết và hàng nghìn người khác bị lây nhiễm.

Chỉ số CSI 300 của các cổ phiếu được niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến giảm 8% vào thứ Hai (3/2), nhưng kể từ đó đã lấy lại hơn một nửa mức giảm, mặc dù số người chết gia tăng.

Một số nhà đầu tư nổi tiếng tại châu Á tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia về dịch bệnh để giúp họ hiểu thêm về cuộc khủng hoảng. Tập đoàn môi giới CLSA (có trụ sở tại Hong Kong) trong tuần này đã mời ông John Nicholls - giáo sư bệnh lí tại Đại học Hong Kong tham gia một cuộc gọi tư vấn cho khách hàng. Giáo sư John là người đã giúp phân lập virus SARS năm 2003.

Financial Times dẫn thông tin từ bản chép lại của cuộc gọi cho biết Giáo sư John nói với các nhà đầu tư rằng: "Tôi nghĩ rằng virus corona thực sự không phải là một căn bệnh nghiêm trọng như mọi người nghĩ. Về cơ bản, nó là một dạng cảm lạnh nghiêm trọng".

Ông nói thêm rằng tỉ lệ tử vong của virus corona có thể thấp hơn dự kiến, do báo cáo về các trường hợp mắc bệnh tại Trung Quốc đại lục là chưa đầy đủ. (Nếu số ca nhiễm được thống kê đầy đủ, mẫu số của công thức sẽ tăng lên và tỉ lệ tử vong sẽ thấp hơn).

Vào thứ Năm (6/2), Didier Darcet - nhà quản lí danh mục đầu tư tại Gavekal Capital, đã công bố một mô hình định lượng cho thấy sự lây lan của virus sẽ tăng tốc trong những tuần tới. Theo mô hình này, số các ca nhiễm bệnh sẽ lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 3.

Ông Darcet cho biết mô hình được sử dụng trong phân tích là "không tinh vi", nhưng "nó cung cấp một thước đo để đánh giá diễn biến từng ngày của dịch virus corona". Nếu tổng số trường hợp mắc bệnh vượt quá 52.000 vào Chủ Nhật (9/2), dự báo của ông "sẽ được đánh giá lại và gia tăng qui mô đáng kể".

Tính đến 12 giờ ngày 9/2 (giờ Việt Nam), thế giới có 37.552 trường hợp nhiễm bệnh.

Theo Financial Times, một số nhà đầu tư đã lục lại kiến thức lịch sử để tìm hiểu xem dịch bệnh sẽ bùng phát tệ đến mức nào. Họ thậm chí còn xem xét đến bệnh cúm Tây Ban Nha đã khiến hàng chục triệu người chết năm 1918. Một so sánh gần đây hơn là dịch SARS năm 2002-2003 đã giết chết gần 800 người ở miền nam Trung Quốc và Hong Kong.

Trong một lưu ý gửi đến khác hàng, ông Charles Robertson - kinh tế gia chủ chốt về các sự kiện toàn cầu tại Renaissance Capital - kết luận rằng: "Đây không phải là bệnh cúm Tây Ban Nha năm 1918". 

Ông Andrew Sullivan - giám đốc của Pearl Bridge Partners, cho biết ban đầu các nhà đầu tư đã lặp lại một kịch bản giao dịch thành công với dịch SARS: đầu tư vào cổ phiếu của các công ty dược phẩm và các nhà sản xuất găng tay phẫu thuật.

Nhưng hiện các nhà đầu tư đã chuyển sang bán khống cổ phiếu những công ty mà chuỗi cung ứng bị gián đoạn do sự bùng phát virus corona. Dịch bệnh này đã khiến nhiều khu vực công nghiệp lớn của Trung Quốc phải đóng cửa, bao gồm các công ty sản xuất ô tô và nhà cung cấp của Apple. 

Ông Sullivan nói thêm: "Tại thời điểm hiện tại, việc bán khống những cổ phiếu này giống như đang giao dịch theo quán tính hơn là vì giá trị cơ bản của chúng".

Ông Ronald Wan - giám đốc điều hành của Partners Capital (trụ sở tại Hong Kong) - cho biết ông đang đầu tư vào ngành bán lẻ trực tuyến và 5G. Ông nói rằng chúng là những lĩnh vực sẽ mang lại lợi ích trong dài hạn khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến nhiều hơn. 

Ông nói: "Người dân có thể thay đổi thói quen từ việc mua hàng tại các cửa hàng bán lẻ truyền thống sang mua hàng trực tuyến nhiều hơn... ngay cả sau khi tình hình dịu bớt trong vài tháng tới".

Ông Ronald cho biết thêm rằng sự thiếu rõ ràng về diễn biến dịch virus corona trong tương lai biến kinh nghiệm thời dịch SARS trở thành chỉ dẫn tốt nhất về thời gian kéo dài của nó. Ông nói: "Dựa trên hiểu biết của chúng tôi từ SARS, tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ kéo dài thêm ít nhất một hoặc hai tháng cho đến mùa hè".

Giang