Hơn một nửa doanh nghiệp FDI báo lỗ năm 2023
Tại báo cáo vừa gửi Chính phủ về tình hình hoạt động của doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) báo lỗ, lỗ lũy kế hoặc mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về lượng và giá trị.
Theo thống kê của Bộ này tính đến cuối 2023 có khoảng 29.000 doanh nghiệp FDI, trong đó 16.292 công ty báo lỗ, chiếm hơn 56%. Số đơn vị kinh doanh sa sút tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm trước đó. Tức là, cứ hai doanh nghiệp FDI thì khoảng một công ty báo lỗ.
Cùng với đó, trên 18.140 doanh nghiệp lỗ lũy kế, trong khi số bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 đơn vị. Số này đều tăng khoảng 15% so với cùng kỳ.
Xét về giá trị, Bộ Tài chính cho biết các doanh nghiệp FDI lỗ khoảng 217.464 tỷ đồng trong 2023, tăng 32%. Họ lỗ lũy kế 908.211 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 241.560 tỷ.
Điều này được giải thích do khả năng sinh lời của khối ngoại giảm sút. Cụ thể, doanh thu của gần 29.000 doanh nghiệp FDI chỉ đạt 9,41 triệu tỷ đồng, thấp hơn 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế hơn 337.000 tỷ đồng, giảm gần 16%.
Cùng với kết quả kinh doanh này, tiền nộp ngân sách của các doanh nghiệp cũng giảm 2%, về 193.240 tỷ đồng năm 2023. Tổng tài sản khối doanh nghiệp FDI chi phối là 9,95 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 4,19 triệu tỷ đồng.
Bộ Tài chính đánh giá vốn FDI vẫn tăng trưởng, khi số đăng ký đạt 39,4 tỷ USD vào 2023, tăng hơn 34,5% so với cùng kỳ. Các nhà đầu tư ngoại giải ngân hơn 23 tỷ USD, tăng 3,5%. Tuy nhiên, phần lớn nguồn lực này tập trung vào các dự án quy mô đầu tư nhỏ và vừa
Các dự án sản xuất công nghiệp chủ yếu là nhập khẩu linh kiện, thiết bị để lắp ráp. Các dự án này có giá trị gia tăng thấp, công nghệ ở mức độ trung bình để tận dụng ưu đãi về thuế, mặt bằng và lao động giá rẻ. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo, bán lẻ hay bất động sản - các lĩnh vực vốn đóng góp lớn vào số thu ngân sách - lại mất đi vai trò động lực tăng trưởng khi đồng loạt giảm sút.
Theo cơ quan này, không ít doanh nghiệp báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô đầu tư. Bên cạnh đó, nhiều bên có vốn lớn, doanh thu và lợi nhuận trước thuế cao nhưng mức nộp ngân sách lại khiêm tốn.
Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo rà soát các chính sách về đầu tư để có cơ chế mới thu hút vốn ngoại hiệu quả hơn. Cơ quan này cho rằng Việt Nam cần tăng đối chiếu thông tin chống chuyển giá, trốn thuế, quản lý hiệu quả các nguồn thu phát sinh từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI.
Họ cũng đề xuất thanh, kiểm tra các dự án đầu tư đang hoạt động, tăng biện pháp quản lý với những doanh nghiệp FDI hoạt động kém hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội.
Ngược lại, nhà điều hành cũng cần hoàn thiện hạ tầng giao thông - đô thị theo hướng đồng bộ, tăng kết nối, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khuyến khích và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia.