Nhà đầu tư thừa nhận cuộc chiến chống lạm phát vẫn còn dài, chứng khoán Mỹ sẽ diễn biến ra sao?
Suy nghĩ lại
Dữ liệu kinh tế mạnh mẽ bất ngờ và số liệu lạm phát cao hơn dự kiến đã buộc các nhà đầu tư phải nghĩ lại về định hướng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Bà Lauren Goodwin, nhà kinh tế tại New York Life Investments, nói với tờ MarketWatch: “Thị trường từng nghĩ rằng giá cổ phiếu sẽ tăng mạnh khi Fed vẫn đang nâng lãi suất. Tuy nhiên, ý tưởng này đang ngày càng mất sức thuyết phục”.
Nhà đầu tư cuối cùng đã chấp nhận thông điệp của Fed. Hồi cuối tháng 1, nhà đầu tư dự đoán lãi suất chính sách của Fed sẽ đạt đỉnh ở mức dưới 5%, dù ngân hàng trung ương Mỹ lưu ý rằng lãi suất sẽ cần phải nâng lên phạm vi 5-5,25%.
Khi đó, thị trường còn tin rằng Fed sẽ giảm lãi suất vào cuối năm. Ngược lại, giới chức Fed cho rằng sẽ không có đợt cắt giảm nào trong năm 2023.
Các nhà đầu tư đã bắt đầu thay đổi suy nghĩ sau khi báo cáo công bố hôm 3/2 cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tạo ra thêm 517.000 việc làm trong tháng 1 và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 3,4% - mức thấp nhất kể từ năm 1969.
Chỉ số giá tiêu dùng, giá sản xuất và giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân mới nhất đều thể hiện số liệu lạm phát nóng, và từ đó quan điểm của thị trường về lãi suất đã thay đổi.
Giờ đây, nhà đầu tư cho rằng Fed sẽ kéo lãi suất lên trên 5% và giữ chặt tay cho đến ít nhất là cuối năm. Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu Fed có nâng dự báo về mức đỉnh lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 3 hay không.
Việc nhà đầu tư nghe theo các tuyên bố của Fed đã khiến lợi suất trái phiếu Kho bạc phục hồi và cổ phiếu rút lui. Tính tới phiên 24/2, chỉ số S&P 500 đã rớt khoảng 5% kể từ mức cao nhất của năm 2023 (xác lập vào ngày 2/2) nhưng vẫn cao hơn 3,4% so với đầu năm.
Cuộc chiến khó khăn
Ông Michael Arone, Giám đốc cấp cao tại State Street Global, chỉ ra một chuyển biến quan trọng khác là các nhà đầu tư đang nhận ra rằng việc khống chế lạm phát sẽ là quá trình “trắc trở”. Cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker cần tới hai cuộc suy thoái vào đầu thập niên 1980 để dập tắt lạm phát phi mã.
Đà tăng của chỉ số S&P 500 cho đến ngày 2/2 được dẫn dắt bởi các cổ phiếu từng bị vùi dập nặng nề nhất năm ngoái.
Song, số liệu lạm phát công bố trong tháng này đều cao hơn dự kiến, khiến "mọi cổ phiếu đang đi lên trước đó đảo chiều đi xuống", ông Arone chỉ ra.
Sự gia tăng của lợi suất và sự phục hồi của đồng USD đồng nghĩa rằng các cổ phiếu dễ biến động, mang tính đầu cơ cao đang nhường lại vị trí dẫn đầu cho các công ty hưởng lợi từ môi trường lãi suất và lạm phát cao.
Tuần vừa qua là tuần tiêu cực nhất với ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ trong năm 2023. Chỉ số trung bình công nghiệp Down Jones giảm 3%, S&P 500 và Nasdaq lần lượt giảm 2,7% và 1,7%.
Nhà kinh tế Goodwin nhận định chứng khoán Mỹ có thể tiếp tục giảm tiếp 10% đến 15% nữa trong lúc nền kinh tế rơi vào suy thoái.
Bà chỉ ra rằng lợi nhuận trong ngành công ngệ và hàng tiêu dùng không thiết yếu vẫn tương đối vững vàng, nhưng doanh thu của những công ty này đang giảm tốc và sự chênh lệch đó rất đáng lo ngại. Ngoài các công ty hưởng lợi trong đại dịch, những doanh nghiệp khác đang vật lộn để duy trì biên lợi nhuận.
Giám đốc Arone cũng đồng ý rằng biên lợi nhuận có thể trở thành nỗi lo lớn với thị trường. Biên lợi nhuận ròng hiện nay đang thấp hơn mức trung bình 5 năm bởi doanh nghiệp đã chạm đến giới hạn, khó có thể đẩy chi phí tăng thêm sang phía khách hàng.
Ông dự đoán: “Quan điểm của tôi là biên lợi nhuận sẽ là yếu tố tiêu cực tới triển vọng của chứng khoán và ít được mọi người chú ý”.
Những ngành vẫn duy trì được biên lợi nhuận cao hoặc có thể tăng biên lợi nhuận – ví dụ năng lượng và công nghiệp – vẫn vượt trội so với thị trường chung vào cuối tuần trước.