Nhà đầu tư toàn cầu thở phào khi đà tăng sốc của đồng USD dừng lại
Những ván cược mới
Năm ngoái, đồng USD từng tăng vọt lên mức đỉnh hàng chục năm, khoét sâu vấn nạn nghèo đói và lạm phát tại nhiều quốc gia từ Pakistan cho đến Ghana. Hiện giờ, đồng bạc xanh hiện có thể đã bước vào chu kỳ giảm giá kéo dài vài năm, Bloomberg dẫn lời một số nhà dự báo cho hay.
Các nhà đầu tư nói rằng đồng USD đang trên đà đi xuống vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đi đến chặng cuối của chu kỳ tăng lãi suất và hầu như mọi đồng tiền tệ khác đều sẽ mạnh lên khi các ngân hàng trung ương tại những nước này tiếp tục thắt chặt chính sách.
Mặc dù loạt dữ liệu gần đây có thể buộc các nhà đầu tư phải cân nhắc lại về mức đỉnh lãi suất của Fed, nhiều người đã chuyển từ đồng bạc xanh sang các tài sản rủi ro như chứng khoán và trái phiếu thị trường mới nổi, bởi họ tin sức mạnh của đồng USD sẽ giảm bớt.
Ông George Boubouras, trưởng bộ phận nghiên cứu tại quỹ phòng hộ K2 Asset Management, cho hay: “Chắc chắn đồng USD đã lập đỉnh và trong tương lai, đồng tiền này sẽ yếu hơn”.
“Tuy lạm phát tại Mỹ vẫn rất dai dẳng và thị trường kỳ vọng Fed sẽ nâng lãi suất lên cao hơn, thực tế là các nền kinh tế khác trên thế giới vẫn đang cố bắt kịp Mỹ [về phương diện thắt chặt chính sách tiền tệ]”, ông Boubouras nói.
Dữ liệu trên thị trường tương lai cho thấy chi phí đi vay tại Mỹ có thể đạt đỉnh vào tháng 7 năm nay và nhiều khả năng Fed sẽ cân nhắc việc cắt giảm lãi suất vào năm 2024, khi lạm phát quay trở về mức mục tiêu của các quan chức.
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách tại nhiều nước đã tỏ rõ quyết tâm ghìm cương lạm phát. Ngân hàng trung ương châu Âu và Australia đã phát tín hiệu sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn, trong khi ngân hàng trung ương Nhật Bản được cho là sẽ từ bỏ lập trường chính sách siêu lỏng lẻo trong năm nay.
Rõ ràng, việc đồng USD yếu đi sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu. Giá hàng hoá nhập khẩu của các nước đang phát triển sẽ hạ nhiệt, giúp lạm phát đi xuống. Giá của nhiều thứ từ vàng cho đến các tài sản rủi ro như cổ phiếu và tiền ảo cũng sẽ được cải thiện.
Điều đó có thể giúp chính phủ nhiều nước và các nhà đầu tư giảm bớt thiệt hại trong năm 2022, khi đồng bạc xanh tăng vọt và gây ảnh hưởng nghiêm trọng, Bloomberg đánh giá.
Lạm phát khi đó từng leo thang chóng mặt khi chi phí thực phẩm và dầu mỏ phi mã. Các quốc gia như Ghana bị đẩy đến bờ vực vỡ nợ, trong khi nhà đầu tư trái phiếu và cổ phiếu phải chịu tổn thất nặng nề.
Những ván cược mới đã được thể hiện trong diễn biến của đồng USD. Chỉ số USD giao ngay của Bloomberg đã mất khoảng 8% kể từ khi vọt lên mức cao kỷ lục hồi tháng 9 năm ngoái.
Cùng lúc, vào tháng trước, các nhà đầu tư đã mua vào trái phiếu thị trường mới nổi và cổ phiếu với tốc độ nhanh nhất trong gần hai năm, dữ liệu của Bloomberg chỉ ra.
Chu kỳ giảm điểm kéo dài
Ông Siddharth Mathur, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường mới nổi khu vực châu Á - Thái Bình Dương của BNP Paribas, dự đoán: “Chúng tôi tin rằng USD đã đạt đỉnh và đã bắt đầu một chu kỳ giảm điểm kéo dài nhiều năm”.
Theo vị chuyên gia, BNP Paribas cho rằng triển vọng của đồng bạc xanh trong năm 2023 là không xán lạn, đặc biệt là trong nửa cuối năm.
Một số nhà đầu tư đang kiểm nghiệm xem liệu ưu thế thống trị của đồng USD đã chấm dứt hay chưa.
Từ vị thế mua, hãng tài chính abrdn đã chuyển về vị thế trung lập cho USD kể từ cuối năm ngoái. Trong khi đó, Jupiter Asset Management đang bán tháo đồng bạc xanh.
K2 Asset Management cũng đã bán đồng USD kể từ tháng 10 và hiện dự đoán các đồng tiền hàng hoá như AUD và CAD sẽ tăng vượt trội trong năm nay.
Nhờ đó, những đồng tiền tệ từng phải chịu áp lực khi USD mạnh lên có khả năng sẽ tăng điểm. Đồng euro đã tăng khoảng 11% so với mức thấp ghi nhận vào tháng 9 năm ngoái.
Đồng yen đã đi lên hơn 12% so với đồng USD kể từ khi tụt xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ hồi tháng 10 năm ngoái. Các chiến lược gia mà Bloomberg khảo sát dự đoán đồng nội tệ của Nhật Bản sẽ tăng thêm 9% vào cuối năm nay.
“Nhiều yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong năm 2022 đã yếu đi thấy rõ”, ông Dwyfor Evans, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô khu vực APAC tại State Street Global Markets, nhấn mạnh.
Vẫn là đồng tiền trú ẩn
Dù vậy, không ai đặt cược rằng đồng USD sẽ cắm đầu đi xuống một mạch bởi lãi suất tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng và mối đe doạ từ suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như rủi ro địa chính trị vẫn đang thúc đẩy nhu cầu với các tài sản trú ẩn.
Ông Omar Slim, đồng Giám đốc cấp cao khu vực châu Á của PineBridge Investments, cho hay: “USD đã đạt đỉnh nhưng chúng tôi không cho rằng sức mạnh của đồng tiền này sẽ đảo ngược hoàn toàn so với hai năm trước”.
Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao khi lạm phát vẫn còn dai dẳng và điều này sẽ giúp “cản bớt đà suy yếu của đồng USD”, ông Slim nói với tờ Bloomberg.
Một số nhà phân tích khác thì cho rằng tỷ suất sinh lời tốt của USD có thể sẽ giúp đồng bạc xanh thu hút thêm các nhà đầu tư, từ đó hỗ trợ cho giá của đồng tiền này.
“Kịch bản cơ sở của chúng tôi là đồng USD sẽ phục hồi vào cuối năm nay. USD vẫn là đồng tiền có tỷ suất sinh lời cao nhất trong nhóm G10 cũng như một số thị trường mới nổi khác”, bà Elsa Lignos, chiến lược gia ngoại hối cấp cao tại RBC Capital Markets, lưu ý.
Đối với các nhà đầu tư như bà Stefanie Holtze-Jen của Deutsche Bank, việc phán đoán thời điểm Fed làm chậm tốc độ tăng lãi suất sẽ là chìa khoá để dự đoán lộ trình của đồng USD trong năm 2023. Ngoài ra, vị thế của USD với tư cách là tài sản dự trữ chủ đạo của thế giới cũng quan trọng không kém.