Nhà đầu tư Nhật Bản kêu mắc ở cửa hải quan
Các doanh nghiệp Nhật Bản gặp vướng mắc nhất vẫn là các vấn đề liên quan đến hải quan.
Mắc nhất ở cửa hải quan
Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM cho biết vừa thực hiện tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm.
“Kết quả là vướng mắc nhất vẫn là các vấn đề liên quan đến hải quan. Nhiều doanh nghiệp than phiền về khó khăn trong xác định giá hàng hóa trong hóa đơn”, ông Koji cho biết.
Theo đó, tại thời điểm thông quan nhập khẩu hàng hóa thực phẩm, nếu giá trong hóa đơn bị hải quan xác định là quá thấp so với giá các doanh nghiệp khác đăng ký hoặc giá thị trường, doanh nghiệp nhập khẩu phải sửa đổi tăng giá kê khai, phải kê khai sửa đổi thành giá khác với giá trong hóa đơn.
Nhưng, nhiều trường hợp cơ quan hải quan không thừa nhận giá khai sửa đổi dù dựa trên giá giao dịch theo tập quán kế toán.
“Nếu tại thời điểm thông quan, phía hải quan không chấp nhận giá trong hóa đơn và yêu cầu sửa đổi giá khai thuế, chúng tôi mong muốn được thông báo bằng văn bản về việc có đủ căn cứ để cho rằng, giá sau khi sửa đổi đó là giá tính thuế thỏa đáng”, đại diện doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị.
Cũng theo ông Koji, nhiều doanh nghiệp nói phải đợi rất lâu để có ý kiến của cơ quan Hải quan trong tham vấn giá, dù quy định là 5 ngày. Trong khi thực phẩm có mặt hàng dễ hư hỏng, nếu bị lưu ở cảng lâu, thời gian thông quan chậm sẽ ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa…
Liên quan đến vấn đề này, ông Đào Duy Tám, đại diện Tổng cục Hải quan cho biết, theo quy định, sau 5 ngày nếu cơ quan hải quan chưa có quyết định tham vấn mà không có thông báo, xem như chấp nhận mức giá doanh nghiệp khai báo.
Đối với các trường hợp thuộc diện tham vấn giá, nếu doanh nghiệp đưa hàng về bảo quản, doanh nghiệp không được phép tiêu thụ.
Còn trường hợp thông quan hàng hóa đã hoàn thành tất cả thủ tục hải quan, doanh nghiệp sẽ nộp thuế theo thuế suất đã kê khai giá và trị giá đã kê khai với cơ quan hải quan. Sau khi được cơ quan hải quan giải phóng hàng, doanh nghiệp được toàn quyền đưa hàng hoá vào thị trường tiêu thụ, chứ không phải cần chờ tham vấn giá.
Quy định kiểm nghiệm cũng khó
Theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề kiểm nghiệm hàng hóa theo quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Chẳng hạn, cùng một hàng hóa, sản phẩm tuy đã phân tích tại các cơ sở kiểm nghiệm do Bộ Công thương chỉ định, nhưng lại cho ra kết quả phân tích khác biệt, không thống nhất. Đáng lẽ ra, kết quả do các cơ sở kiểm nghiệm phải là dữ liệu khách quan, nên những sai lệch đó là không chấp nhận được.
Bên cạnh đó, thời gian phân tích bị kéo dài, thông thường phải mất ít nhất 1 tuần để có được kết quả phân tích.
Giải đáp, ông Nguyễn Mạnh Thắng, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) cho biết, ngành chức năng đã chỉ định 22 cơ sở kiểm định thực phẩm, danh sách được công khai và cập nhật thường xuyên.
“Về chuyên môn, sự khác biệt giữa các kết quả là do phụ thuộc vào việc lấy mẫu phân tích, quá trình bảo quản mẫu của cơ sở kiểm định, kỹ thuật của kỹ thuật viên… Tóm lại, năng lực của cơ sở lấy mẫu kiểm định là nguyên nhân”, ông Thắng thừa nhận.
Kể từ năm 2018, Bộ Công thương tiến hành kiểm tra định kỳ các cơ sở kiểm định được chỉ định để đánh giá về chất lượng của các cơ sở này. Đồng thời yêu cầu các cơ sở này phải có giải pháp đảm bảo chất lượng kiểm định.
“Chúng tôi luôn trăn trở việc làm thế nào rút ngắn thời gian giao dịch, từ khi nhận mẫu đến ra kết quả tại các cơ sở kiểm định được chỉ định”, ông Thắng nói.
Đặc biệt , ông Thắng cho biết, Bộ Công thương đã đề nghị JETRO có thêm hỗ trợ như cập nhật các phương pháp phân tích, trao đổi các kỹ thuật mới… của cơ sở kiểm nghiệm của Nhật Bản, làm cơ sở nâng cấp chất lượng các đơn vị kiểm định của Việt Nam.