|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư lo lạm phát sẽ lên đỉnh 40 năm, chứng khoán Mỹ đi xuống

07:18 | 10/12/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 9/12 đóng cửa trong sắc đỏ, chấm dứt chuỗi tăng ba phiên liên tiếp. Nhà đầu tư hướng sự chú ý tới báo cáo lạm phát được công bố vào ngày 10/12.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm chưa đầy một điểm, đóng cửa ở 35.754,69 điểm. Hai chỉ số chính còn lại đi xuống mạnh hơn. S&P 500 giảm 0,72% trong khi chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite sụt 1,7%. Cả ba chỉ số hiện nay vẫn cao hơn so với đầu tuần.

Trong ba phiên trước, các chỉ số chứng khoán Mỹ đi lên khi nhà đầu tư vui mừng vì biến thể Omicron của COVID-19 có vẻ ít nghiêm trọng hơn so với phán đoán ban đầu.

Nhà đầu tư lo lạm phát sẽ lên đỉnh 40 năm, chứng khoán Mỹ đi xuống - Ảnh 1.

CNBC dẫn lời ông Greg Bassuk, CEO công ty quản lý quỹ AXS Investments nhận định: "Chúng tôi cho rằng COVID vẫn là mối quan tâm lớn của nhà đầu tư. Hiện nay thị trường không chỉ tạm nghỉ sau ba phiên tăng mà còn đang hướng sự chú ý đến các số liệu kinh tế để đánh giá xem liệu Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có đẩy nhanh tốc độ giảm bơm tiền (taper) hay không".

Sáng ngày 10/12 (theo giờ Mỹ), Bộ Lao động sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11. Theo ước tính của các nhà kinh tế do Dow Jones khảo sát, tỷ lệ lạm phát so với tháng trước sẽ là 0,7% và so với cùng kỳ năm ngoái là 6,7%. Nếu không kể lương thực và năng lượng, lạm phát lõi (core inflation) có thể là 0,5% so với tháng 10 và 4,9% so với tháng 11/2020.

Theo CNBC, nếu dự báo của các chuyên gia là chính xác thì tỷ lệ lạm phát tháng 11 của Mỹ sẽ leo lên mức cao nhất kể từ tháng 6/1982. Kỷ lục từ trước đến nay là mức hơn 14% trong tháng các tháng 2, 3, 4, 5 và 6/1980. Tỷ lệ lạm phát lõi tháng 11 có thể là con số cao nhất kể từ tháng 6/1991.

Nhà đầu tư lo lạm phát sẽ lên đỉnh 40 năm, chứng khoán Mỹ đi xuống - Ảnh 2.

Lạm phát tháng 10 của Mỹ cao nhất trong 30 năm, dự báo tháng 11 có thể lên cao nhất 40 năm.

Thị trường lo ngại việc lạm phát lên cao sẽ khuyến khích Fed đẩy nhanh tốc độ cắt giảm bơm tiền và sớm tăng lãi suất. Các quan chức cấp cao của Fed sẽ họp vào ngày 14-15/12 và nhiều nhà đầu tư dự đoán chính sách hỗ trợ thanh khoản thực thi từ đầu dịch đến nay sẽ bị điều chỉnh giảm đi.

Đầu tháng 11, Fed đã thông báo giảm chương trình mua trái phiếu 120 tỷ USD mỗi tháng với tốc độ 15 tỷ USD/tháng, dự kiến chấm dứt hoàn toàn sau 8 tháng. 

Nhiều nhà đầu tư dự báo Fed có thể nâng tốc độ cắt giảm lên 30 tỷ USD/tháng và dừng hoàn toàn sau 4 tháng. Sau khi kết thúc giai đoạn bơm tiền, Fed sẽ tính đến việc nâng lãi suất.

Bộ Lao động ngày 9/12 cho biết tuần trước có 184.000 người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, thấp hơn so với mức 211.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones dự báo, đồng thời là mức thấp nhất trong vòng 52 năm qua.

Nhà đầu tư lo lạm phát sẽ lên đỉnh 40 năm, chứng khoán Mỹ đi xuống - Ảnh 4.

Ngân hàng UBS viết trong phân tích gửi tới khách hàng: "Tăng trưởng kinh tế và thị trường lao động đã mang đến một số lý do để thị trường lạc quan về tình hình vĩ mô. Tuy vậy, lạm phát lại đang ở mức cao nhất ba thập kỷ. Giờ đây lại có thêm biến thể Omicron, nhà đầu tư đang tự hỏi chính sách tiền tệ trong tương lai sẽ như thế nào".

Song Ngọc

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.