|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lịch sử chứng khoán Mỹ cho thấy nhà đầu tư chịu được biến động Omicron sẽ chiến thắng

06:25 | 07/12/2021
Chia sẻ
Kể từ năm 1990, 18 trong số 19 trường hợp chỉ số biến động VIX tăng đột biến lớn nhất được theo sau bởi chứng khoán Mỹ đi lên cao hơn trong 12 tháng sau đó.
Lịch sử thị trường cho thấy thị trường sẽ tưởng thưởng cho nhà đầu tư chịu được biến động Omicron - Ảnh 1.

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch quyền chọn Cboe Global Markets. (Ảnh: Bloomberg).

Bài học các nhà đầu tư rút ra được từ thị trường chứng khoán Mỹ tuần trước là rất khó để căn thời điểm cho bước đi tiếp sau một cuộc bán tháo lớn.

Phe bắt đáy chớp lấy thời cơ vào đầu tuần trước sau khi Dow Jones mất 900 điểm ngày 26/11. Thị trường tiếp tục đỏ lửa hai ngày tiếp theo trước khi có cuộc phục hồi lớn ngày 2/12, để rồi Dow Jones khép lại cuối tuần với một phiên tiêu cực. "Luôn luôn khó đoán", Giám đốc đầu tư Keith Lerner của Truist nhận xét.

Lịch sử thị trường có thể giúp nhà đầu tư đưa ra phán đoán.

Một số người đang đặt cược vào đợt tăng điểm cuối năm (Santa Claus rally), ngay cả khi chưa có thông tin rõ ràng về biến chủng Omicron, và ngay cả khi Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell cảnh báo Fed có thể đẩy nhanh cắt giảm chương trình mua trái phiếu và lạm phát không còn được miêu tả là "tạm thời".

Nhìn vào lịch sử thị trường, Giám đốc Lerner nhận thấy môi trường hiện tại sẽ thưởng cho nhà đầu tư kiên nhẫn, nếu không phải ngay trong tháng 12 năm nay thì sẽ là năm sau.

"Chúng tôi muốn nhìn vào xu hướng 12 tháng. Ngay cả khi điểm mua của bạn không chính xác thì bạn vẫn có cơ hội thành công lớn hơn trong khung thời gian này".

Trong phiên "sale off Black Friday" ngày 26/11, chỉ số VIX tăng đột biến 54%. Từ năm 1990 đến nay có 19 phiên giao dịch trong đó VIX nhảy vọt từ 40% trở lên. Trong số đó, có đến 18 trường hợp chỉ số S&P 500 đi lên sau một năm, tương đương xác xuất 95%. Mức tăng cũng không hề nhỏ - trung bình là 20%.

Với chứng khoán Mỹ vẫn cao hơn 20% so với đầu năm 2021 và biến động gần đây, tỷ suất sinh lời 20% lần nữa có thể chỉ là mơ ước. Ông Lerner lưu ý rằng trước đợt hỗn loạn của thị trường gần đây thì chứng khoán Mỹ đã tăng 9% kể từ đầu tháng 10. Cộng với niềm tin thị trường sẽ đi lên đáng kể trong ngắn hạn, ông Lerner cho đây là tín hiệu xấu và tương lai trước mắt dễ xảy ra các phiên trượt dốc.

Nhưng điều đáng chú ý hơn là xu hướng dài hạn hơn trong lịch sử của VIX: Trong 19 lần VIX tăng mạnh nhất trong ba thập kỷ qua, chứng khoán Mỹ phần lớn diễn biến tích cực trong các giai đoạn 1, 3, 6 và 12 tháng sau.

Sau một tháng thị trường chỉ tăng trung bình 1%, nhưng có đến 70% trường hợp là tăng điểm. Giai đoạn càng dài thì các con số càng khích lệ.

Lịch sử thị trường cho thấy thị trường sẽ tưởng thưởng cho nhà đầu tư chịu được biến động Omicron - Ảnh 2.

Nguồn: Giang tổng hợp từ Truist IAG, FactSet.

Lưu ý: COVID-19 là loại rủi ro mà thị trường ít khi chứng kiến trong ba thập kỷ qua. Hai trong số những lần VIX tăng mạnh nhất xuất hiện khi đại dịch lần đầu ập vào nước Mỹ hồi tháng 2/2020. Trong cả hai trường hợp này, giai đoạn một tháng sau đều rất thảm khốc với chứng khoán, theo CNBC.

Nhưng ngoại lệ duy nhất trong 19 trường hợp mà chứng khoán Mỹ sau một năm vẫn chưa phục hồi là giai đoạn đầu của khủng hoảng tài chính. Điều này giúp ông Lerner có thêm tự tin vào xu hướng tăng điểm của thị trường.

Lực cản ngắn hạn, chất xúc tác dài hạn

Các chuyên gia chứng khoán vẫn thận trọng trước bất kỳ sự phục hồi bền vững nào của thị trường Mỹ, dựa vào diễn biến tuần trước. Phân tích cuộc hồi phục mạnh mẽ ngày 29/11 cho thấy 1.834 cổ phiếu đi lên còn 1.502 mã đi xuống. "Không phải một cuộc phục hồi lừng lẫy", ông Lerner nhận xét.

Nhưng phiên 2/12 thì đáng khích lệ hơn. Số mã cổ phiếu tăng, giảm lần lượt là 2.525 và 868.

"Tôi muốn chứng kiến phiên phục hồi mà số mã cổ phiếu tăng bằng ba lần số mã giảm, và thị trường đã làm được điều này trong phiên 2/12". Nhưng niềm tin này đã không kéo dài được đến cuối tuần.

Lịch sử chứng khoán Mỹ cho thấy nhà đầu tư chịu được biến động Omicron sẽ chiến thắng - Ảnh 3.

Thị trường chứng khoán Mỹ liên tục biến động mạnh sau khi xuất hiện thông tin về chủng Omicron ngày 26/11.

Thị trường ghi nhận phiên tích cực nhất kể từ tháng 3/2021 vào ngày 2/12, nhưng các chiến lược gia vẫn cảnh giác. Công ty nghiên cứu Fundstrat Global Advisors nhận xét hai phiên bật tăng mạnh mẽ tuần trước không phát đi tín hiệu rằng mọi hiểm nguy đã kết thúc.

"Với sự sụt giảm nghiêm trọng về độ rộng của thị trường trong những tuần gần đây, thị trường phải có một nỗ lực lớn cùng với sự phục hồi trên diện rộng thì mới có thể đem lại niềm tin cho nhà đầu tư".

Theo khảo sát mới nhất từ Hiệp hội nhà đầu tư cá nhân của Mỹ (AAII), tỷ lệ nhà đầu tư nhỏ lẻ có quan điểm tích cực đã rớt xuống còn 27% từ mức 48% vài tuần trước đó. Trong khi đó tỷ lệ nhà đầu tư nhận định tiêu cực đã tăng lên mức cao nhất trong vòng một năm.

Giám đốc Lerner cho rằng sự kiên nhẫn của nhà đầu tư cũng quan trọng như sự tự tin. Doanh nghiệp và người tiêu dùng đã thích nghi với COVID-19, nhu cầu bị dồn nén vẫn chưa được đáp ứng đủ, và nền kinh tế vẫn đứng vững. Tất cả những yếu tố này dẫn ông đến kết luận rằng xu hướng cơ bản của thị trường là đi lên, nhưng con đường trước mắt sẽ gập ghềnh.

Yếu tố quan trọng nhất mà nhà đầu tư nên tránh để bị chi phối là nỗi sợ. Nỗi sợ hiện nay trên thị trường đang được thúc đẩy bởi nguy cơ thực sự, và thị trường có thể phải mất hàng tuần hay hàng tháng để vượt qua nó.

Nhưng nỗi sợ cũng có thể đảo ngược lực cản thành động lực của thị trường như những gì mà lịch sử những lần chỉ số VIX tăng đột biến cho thấy. "Chính nỗi sợ hãi sẽ trở thành chất xúc tác", ông Lerner bình luận.

Ông nói thêm rằng nếu chất xúc tác khiến S&P 500 đi xuống là nỗi sợ về COVID-19 và chúng ta phát hiện rằng nỗi lo này đã bị thổi phồng thì những tin tức đã khiến mọi người cảnh giác sẽ trở thành chất xúc tác tích cực vì kỳ vọng của nhà đầu tư đã được thiết lập lại ở mức thấp hơn.

"Có những thời điểm mà nhà đầu tư không đủ sợ hãi, ví dụ như năm 2007. Nhưng quan điểm cơ sở của chúng tôi là Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái, Omicron sẽ không ngăn nền kinh tế tăng trưởng đáng kể".

Báo cáo việc làm tháng 11 gây thất vọng với số việc làm được tạo ra thấp hơn dự kiến. Nhưng những thông tin tích cực như tỷ lệ thất nghiệp suy giảm và tỷ lệ tham gia lao động gia tăng đều là dấu hiệu tích cực cho triển vọng kinh tế.

Lịch sử chứng khoán Mỹ cho thấy nhà đầu tư chịu được biến động Omicron sẽ chiến thắng - Ảnh 4.

Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm từ 4,6% trong tháng 10 còn 4,2% trong tháng 11.


Giang

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.