Nhà đầu tư chuyên nghiệp 'thế hệ mới' đã sẵn sàng cho thị trường trái phiếu riêng lẻ?
Cá nhân thu nhập trên 1 tỉ/năm là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp
Lần đầu tiên kể từ sau khi Luật chứng khoán đầu tiên ra đời năm 2006, khái niệm về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã có sự thay đổi. Không còn bó hẹp trong các tổ chức tài chính chuyên nghiệp gồm ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán, nhóm nhà đầu tư này sẽ gồm cả các doanh nghiệp và cá nhân. Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2019 với quy định mới trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Chi tiết về tiêu chuẩn xét nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ được Chính phủ quy định tại văn bản hướng dẫn. Tuy nhiên, về cơ bản, danh sách nhóm nhà đầu tư này bổ sung thêm các công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết ở HoSE và HNX, tổ chức đăng ký giao dịch trên UPCoM. Các cá nhân có chứng chỉ hành nghề chứng khoán hoặc nắm giữ danh mục chứng khoán trên sàn có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng theo xác nhận của công ty chứng khoán.
Ngoài ra, cá nhân có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu là 1 tỷ đồng tính đến thời điểm cá nhân đó được xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế của tổ chức, cá nhân chi trả cũng sẽ được bổ sung vào danh sách này.
Sự thay đổi này sẽ tác động đáng kể đến giao dịch chào bán chứng khoán riêng lẻ. Bởi bên mua ở phương thức này hoặc chỉ gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc có thêm dưới 100 nhà đầu tư bên cạnh nhóm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Gỡ nút thắt cho thị trường thứ cấp
Theo quy định tại Nghị định 163/2018, trái phiếu riêng lẻ trong một đợt phát hành sẽ bị hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành trừ trường hợp theo quyết định của Tòa án hoặc thừa kế.
Khi quy định này ra đời, giới phân tích sớm nhìn nhận ảnh hưởng lên thị trường giao dịch thứ cấp vốn khá sôi động hồi năm 2017 và 2018. Nghị định 90 cũ dù cũng quy định tổ chức phát hành chỉ được chào bán cho dưới 100 nhà đầu tư không chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc trái chủ bán lại cho các đối tượng khác thì không giới hạn về số lượng người mua.
Đã có khá nhiều doanh nghiệp chia nhỏ mỗi đợt phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, một cách để giảm quy mô phát hành, qua đó giảm số tiền bình quân mỗi trái chủ phải chi ra. Quy định hiện nay cho phép tổ chức phát hành thực hiện như vậy để phù hợp với nhu cầu huy động vốn của doanh nghiệp từng thời điểm.
Tuy nhiên, thực tế, một số doanh nghiệp chỉ trong thời gian ngắn đã thực hiện các đợt phát hành nhỏ như VinFast tổ chức 44 đợt phát hành trong 2 tháng cuối năm hay Bất động sản TNR Holdings cũng ghi nhận hơn 100 đợt phát hành nhưng chỉ diễn ra trong khoảng chục ngày mở bán trái phiếu. Phía Bộ Tài chính cũng cho biết một số doanh nghiệp không thể hiện được rõ mục đích phát hành gắn với việc giải ngân vốn thành nhiều đợt.
Để khắc phục những tồn tại này, dự thảo sửa đổi Nghị định 163/2018 đang được Bộ Tài chính trình xin ý kiến đã đề xuất bổ sung thêm quy định về tần suất phát hành và khoảng cách giữa các đợt phát hành. Cụ thể, đợt phát hành sau phải cách đợt trước 6 tháng và trái phiếu phát hành trong mỗi đợt phải có cùng điều kiện, điều khoản. Trước đây, quy định về khoảng thời gian giữa hai đợt phát hành cũng đã có nhưng chỉ áp dụng với trái phiếu chuyển đổi.
Thêm vào đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất thời gian hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với trái phiếu riêng lẻ sẽ là suốt vòng đời, thay vì trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành như hiện nay.
Dù nhìn bên ngoài, giao dịch thứ cấp sẽ tiếp tục bị “siết” thêm, mở rộng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp lại là cơ hội để làm sôi động thị trường này. Tương tự như cổ phiếu, mối quan hệ giữa thị trường sơ cấp và thứ cấp cũng sẽ có tương quan nhất định. Khó có thể đòi hỏi một thị trường sơ cấp thu hút tổ chức phát hành và nhà đầu tư nếu thanh khoản trên thị trường thứ cấp trầm lắng, giao dịch giữa các nhà đầu tư không thể thực hiện.
Rủi ro cao, lợi nhuận cao. Khác với hình thức gửi tiết kiệm vào ngân hàng, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mang lại lợi tức cao hơn nhưng trái chủ cũng là những người trực tiếp chịu rủi ro. Có những rủi ro xuất phát từ chủ thể phát hành cố tình sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để điều chuyển dòng tiền để tránh các giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc phục vụ các mục tiêu có lợi của doanh nghiệp, đòi hỏi tăng cường cơ chế giám sát của các cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, rủi ro tín dụng do phương án kinh doanh không như kỳ vọng cũng là trường hợp không phải không có khả năng xảy ra. Trên nền tảng thông tin minh bạch, các nhà đầu tư cá nhân hay cả các doanh nghiệp đủ điều kiện khi đã trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp phải sẵn sàng để tự chịu trách nhiệm trong lựa chọn đầu tư của mình.
Băn khoăn mức sàn thu nhập chịu thuế
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên năm 2019, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital cũng là đồng trưởng nhóm Nhóm công tác Thị trường vốn cho rằng cần xem xét lại mức tối thiểu 1 tỉ đồng đối với thu nhập chịu thuế hàng năm. Theo ông, đây là mức quá thấp và đề xuất điều chỉnh tại các văn bản dưới luật. Phía UBCK ghi nhận và sẽ xem xét. Theo ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN, việc quy định mức 1 tỉ đồng có thể áp dụng với thu nhập chỉ bao gồm tiền lương, tiền công.
Để chuẩn bị cho Luật Chứng khoán sửa đổi áp dụng trong gần một năm tới, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết dự kiến có khoảng 4 nghị định và 10 thông tư hướng dẫn.