|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ vẫn kiên trì 'chống lại Fed', nhưng ngày vui có kéo dài lâu?

08:05 | 06/02/2023
Chia sẻ
Đối với nhiều nhà đầu tư, phớt lờ quyết tâm tăng lãi suất của Fed đang là một chiến lược giao dịch cực kỳ sinh lời trên Phố Wall ngay bây giờ. Tuy nhiên, thị trường vẫn đang chứa đựng đầy rủi ro.

Màn hình trình chiếu bài phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. (Ảnh: Reuters).

Nên hay không “chống lại Fed”?

Trong nhiều tháng qua, “chống lại Fed” thực sự là một chiến lược đầu tư sinh lời trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chỉ số S&P 500 đã tăng 15% kể từ đầu quý IV/2022 và đi lên 16% kể từ mức thấp hồi tháng 10.

Chẳng mấy chốc, S&P 500 có thể sẽ tăng đến 20%, ngưỡng mà nhiều nhà đầu tư xác định là điểm bắt đầu của một thị trường giá lên.

Giữa lúc đó, Fed đã nâng lãi suất ba lần và phát tín hiệu sẽ thực hiện thêm nhiều đợt tăng nữa. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách còn liên tục khẳng định rằng họ sẽ duy trì lãi suất ở mức cao trong một thời gian. Song, thị trường dường như không quan tâm.

Nhà đầu tư có vẻ đang đặt cược rằng những đợt tăng lãi suất sắp tới đã được định vào giá cổ phiếu và Fed có thể sẽ thực hiện được một cuộc hạ cánh nhẹ nhàng, tức là vừa chế ngự được lạm phát mà vẫn giúp nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng.

Thực tế trên đang đặt các nhà đầu tư cảnh giác với lãi suất và lo lắng về lạm phát vào tình thế đầy thách thức, họ không biết nên tiến hay lùi khỏi thị trường đang trong đà tăng giá.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu Fed chiến thắng thị trường? Có vẻ Fed sẽ thắng thật”, ông Adam Sarhan, người sáng lập hãng đầu tư 50 Park Investments, chia sẻ với Bloomberg.

“Nhà đầu tư thường sẽ hưởng lợi khi họ bắt kịp các xu hướng cơ bản trên Phố Wall. Đừng bao giờ giao dịch ngược với các xu thế chung và hãy cố gắng giữ khoản lỗ ở mức tối thiểu”, ông nói thêm.

Rủi ro mà các nhà đầu tư lạc quan phải đối mặt đã thể hiện rõ trong báo cáo việc làm công bố hôm 3/2. Số liệu cho thấy lạm phát có thể sẽ duy trì ở mức cao và trong thời gian rất dài.

Nếu một thị trường việc làm ổn định giữ cho tiền lương tiếp tục đi lên, giá cả tiêu dùng có thể sẽ không hạ nhiệt. Và điều đó sẽ ngăn Fed dừng chu kỳ thắt chặt chính sách mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

 

Các ngành đang tăng điểm

Một yếu tố đang giúp trấn an những nhà đầu tư lạc quan là sự thay đổi của nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường.

Theo công ty nghiên cứu đầu tư CFRA, các lĩnh vực dẫn đầu đà tăng của năm nay, như hàng tiêu dùng tuỳ ý và công nghệ thông tin, có lịch sử giao dịch tốt hơn trong các giai đoạn đầu của thị trường giá lên.

Điều tương tự cũng xảy ra với các cổ phiếu nguyên vật liệu, vốn đã giao dịch khá tươi sáng kể từ cuối tháng 9 năm ngoái.

Lịch sử cũng chỉ ra rằng liệu nền kinh tế có suy thoái hay không đều sẽ đóng vai trò quan trọng đối với thị trường chứng khoán.

Kể từ Thế chiến II, đã có 9 thị trường gấu xuất hiện cùng suy thoái và trung bình chỉ số S&P 500 đã mất khoảng 35% so với mức giảm 28% của các thị trường giá xuống không đi kèm với suy thoái kinh tế.

Điều đặc biệt thú vị là chỉ có ba thị trường gấu kể từ năm 1948 mà không có suy thoái. Và mỗi lần, một thị trường giá lên mới sẽ bắt đầu trong vòng 5 tháng kể từ khi giá cổ phiếu chạm đáy.

Ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA, vẫn kiên định với dự đoán lạc quan của mình dành cho thị trường chứng khoán Mỹ, dù ông cho rằng một cuộc suy thoái nông vẫn có thể xảy ra. Vị giám đốc dự đoán trong 12 tháng tới, chỉ số S&P 500 sẽ tăng hơn 11% so với giá đóng cửa vào ngày 3/2.

“Liệu chúng ta có đang lao đầu vào một thị trường gấu tai hại hơn hay sẽ có một đợt suy thoái rất nhẹ trong năm nay và thị trường đã chạm đáy?”, ông Stovall tự hỏi. “Tôi tin rằng chúng ta đang ở trong một đợt tăng giá mới”.

Theo Bloomberg, nhận định của ông Stovall khá có lý. Đối với thị trường chứng khoán Mỹ, ngay cả khi có suy thoái thì độ dài của cú sốc kinh tế mới là yếu tố quyết định.

Chiến lược gia cấp cao Gina Martin của Bloomberg Intelligence cho hay, độ sâu của cú sụt giảm GDP thực tế từ đỉnh xuống đáy thường không tương quan với mức độ nghiêm trọng của những biến động trên thị trường. Song, suy thoái ngắn hơn có thể giúp thị trường phục hồi nhanh hơn.

Các nhà dự báo được Bloomberg khảo sát tin rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ suy giảm trong quý II và III năm nay, trước khi phục hồi vào cuối năm.

Quy tắc kỹ thuật

Ngay cả những “con gấu” kiên định nhất trên Phố Wall cũng đang trở nên lạc quan hơn, ít nhất là cho đến bây giờ.

Ông Doug Ramsey, Giám đốc đầu tư của Leuthold Group, cho biết công ty này đã mua thêm cổ phiếu vào đầu năm. Mặc dù ông nghĩ Mỹ có thể suy thoái vào cuối năm, Ramsey vẫn quyết định nắm bắt lấy đợt tăng mới nhất trên thị trường dựa trên việc các yếu tố kỹ thuật đang dần cải thiện.

“Trong lịch sử, chúng ta luôn có cơ hội kiếm tiền từ chứng khoán trong giai đoạn đường cong lợi suất mới đảo ngược và cổ phiếu đạt đỉnh trước suy thoái”, ông Ramsey cho hay.

Trong dài hạn, ông Ramsey đang cảnh giác với những “head fake”, tức là việc các cổ phiếu tăng hoặc giảm nhanh chóng rồi sau đó thay đổi theo hướng ngược lại.

Theo vị giám đốc, các lĩnh vực giao dịch tốt trong kịch bản hạ cánh mềm thường là những lĩnh vực hoạt động tốt trước khi suy thoái xảy ra. Chẳng hạn, hai nhóm cổ phiếu giá trị là vật liệu và công nghiệp thường giao dịch rất tốt trong 6 tháng trước khi suy thoái. 

Khả Nhân