|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhà đầu tư chen nhau mua 10 tỉ USD trái phiếu của tập đoàn có lợi nhuận lớn nhất thế giới 2018

15:58 | 08/04/2019
Chia sẻ
Trong một thương vụ được nhà đầu tư trên khắp thế giới quan tâm, Tập đoàn có lợi nhuận lớn nhất thế giới Saudi Aramco và các ngân hàng của mình đang chuẩn bị phát hành ít nhất 10 tỉ USD trái phiếu trong tuần này. Một số dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang tỏ ra rất hào hứng.

Bloomberg cho biết, theo một số nguồn tin thân cận, các nhà đầu tư đang quan tâm mua khối lượng trái phiếu lên tới hơn 26 tỉ USD, cao gấp 2,6 lần kế hoạch phát hành của Saudi Aramco. Reuters thì dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Arab Saudi Khalid al-Falih cho biết nhu cầu đối với đợt trái phiếu quốc tế đầu tiên của Saudi Aramco có thể vượt 30 tỉ USD.

Trong suốt tuần trước, tập đoàn dầu mỏ do nhà nước Arab Saudi sở hữu và các ngân hàng liên quan đã tích cực tìm kiếm sự ủng hộ của nhà đầu tư cho đợt phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, từ New York, Chicago đến Singapore và Tokyo.

Mức độ thành công của thương vụ trái phiếu này là cực kì quan trọng cho các ngân hàng đang đại diện cho Saudi Aramco như JP Morgan Chase. Lí do là các ngân hàng này rất muốn được tham gia vào thương vụ IPO trong tương lai của cổ phiếu Aramco – tập đoàn có lợi nhuận cao nhất thế giới, bởi mức phí sẽ vô cùng hấp dẫn.

Nhà đầu tư chen nhau mua 10 tỉ USD trái phiếu của tập đoàn có lợi nhuận lớn nhất thế giới 2018 - Ảnh 1.

Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc JP Morgan Chase, ông Jamie Dimon. Ảnh: Bloomberg.

Thứ Năm tuần trước, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc JP Morgan Chase ông Jamie Dimon xuất hiện tại một buổi ăn trưa ở New York để quảng cáo cho thương vụ trái phiếu – một động thái rất hiếm gặp ở ông Dimon, cho thấy thương vụ này thực sự "khủng" tới mức nào.

Ngoài JP Morgan Chase, Morgan Stanley, Citigroup, Goldman Sachs, HSBC và NCB Capital cũng đang thu xếp đợt phát hành trái phiếu này. Mức định giá có thể được công bố sớm nhất vào thứ Ba (9/4). Đại diện của Saudi Aramco từ chối bình luận về thông tin trên.

Một chuyên gia nhận định: "Đây chắc chắn sẽ là một thương vụ cực lớn với ít nhất 4 dòng sản phẩm. Nhu cầu mua sẽ là khổng lồ". Vị này đoán rằng lực cầu có thể còn vượt qua con số 53 tỉ USD mà Qatar đón nhận trong thương vụ chào bán 12 tỉ USD trái phiếu năm ngoái.

Aramco đang quay sang thị trường trái phiếu bằng đồng USD để huy động vốn nhằm chuẩn bị cho thương vụ mua lại đa số cổ phần tại tập đoàn hóa dầu trong nước Sabic, trị giá 69 tỉ USD.

Năm ngoái Saudi Aramco đã phải tạm hoãn kế hoạch IPO. Việc chào bán trái phiếu năm nay là một cách huy động vốn thay thế cho kế hoạch IPO nói trên. Chính phủ Saudi Arabia từng định giá Aramco lên tới 2.000 tỉ USD, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư cho rằng con số trên là quá cao.

Nhà đầu tư chen nhau mua 10 tỉ USD trái phiếu của tập đoàn có lợi nhuận lớn nhất thế giới 2018 - Ảnh 2.

Một nhà máy của Saudi Aramco. Ảnh: Bloomberg.

Nhà đầu tư tiềm năng đang phải đối mặt với một bài toán khó. Hiện chưa thể xác định nhu cầu cao từ phía nhà đầu tư có cho phép Aramco trả lợi suất thấp hơn cả chủ sở hữu của mình (chính phủ Saudi Arabia) hay không.

Một mặt Aramco là một doanh nghiệp có lợi nhuận cực khủng và tạo ra dòng tiền gần như vô tận. Năm 2018, tập đoàn này có 111 tỉ USD lãi ròng, nhiều hơn cả Apple, Google và Exxon Mobil cộng lại. Thêm vào đó, các quĩ đầu tư quản lí trái phiếu doanh nghiệp hạng đầu tư (high-grade) đang tỏ ra muốn mua trái phiếu của Aramco. Những yếu tố này có thể đẩy chi phí vay mượn của Aramco xuống thấp hơn của chính phủ.

Nhưng nhiều người lại có quan điểm khác. Họ cho rằng Aramco có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ và phức tạp với chính phủ Saudi Arabia và do vậy cũng chịu nhiều loại rủi ro bao gồm rủi ro giá dầu giảm. Đó là lí do tại sao một số nhà đầu tư không muốn mua trái phiếu của Aramco nếu lợi suất thấp hơn lợi suất trái phiếu của chính phủ.

Song Ngọc

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.