|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bật mí bí mật của Saudi Aramco - công ty có lợi nhuận 'khủng' nhất thế giới 2018

22:23 | 01/04/2019
Chia sẻ
Điều gì đã giúp cho Saudi Aramco trở thành công ty có lợi nhuận lớn nhất thế giới trong năm 2018, hơn cả lợi nhuận của Apple, Google và Exxon Mobil cộng lại
Bật mí bí mật của Saudi Aramco - công ty có lợi nhuận khủng nhất thế giới 2018 - Ảnh 1.

Nguồn: Bloomberg

Thông tin chính thức đầu tiên về hiệu suất tài chính của Aramco khẳng định rằng gã khổng lồ ngành dầu mỏ do nhà nước điều hành này có thể tạo ra lợi nhuận mà không công ty nào khác trên  trái đất có thể cạnh tranh lại: thu nhập ròng năm 2018 của Saudi Aramco là 111,1 tỉ USD, dễ dàng vượt qua các tập đoàn khổng lồ của Mỹ, gồm Apple và Exxon Mobil.

Tuy nhiên, thông tin được công bố trước khi Aramco ra mắt trên thị trường trái phiếu quốc tế cũng cho thấy công ty này - một doanh nghiệp sản xuất khoảng 10% lượng dầu thô của thế giới - không kiếm về nhiều tiền mặt cho mỗi thùng dầu thô như các công ty dầu khí hàng đầu khác như Royal Dutch Shell do phải gánh mức thuế cao.

Bật mí bí mật của Saudi Aramco - công ty có lợi nhuận khủng nhất thế giới 2018 - Ảnh 2.

Lợi nhuận ròng của Aramco bằng lợi nhuận của Apple, Google và Exxon Mobil gộp lại. Nguồn: Bloomberg

Việc bán trái phiếu, được giới thiệu đến các nhà đầu tư trong tuần này, đã buộc Aramco phải tiết lộ các bí mật được giữ kín kể từ khi công ty này được quốc hữu hóa vào cuối những năm 1970, từ đó làm sáng tỏ mối quan hệ giữa Arab Saudi và tài sản quan trọng nhất của vương quốc này.

Cả Fitch Ratings và Moody's Investors Service đều đánh giá Aramco có xếp hạng tín nhiệm loại đầu tư cao thứ 5 trong thang đánh giá (A+ đối với Fitch và Ba với Moody's), tương tự như nợ quốc gia của Arab Saudi, nhưng thấp hơn các công ty dầu mở lớn khác như Exxon, Shell và Chevron.

Aramco đang chuẩn bị tăng vay nợ một phần để trả cho thương vụ mua lại đa số cổ phần của tập đoàn hóa dầu trong nước có tên Sabic, trị giá khoảng 69 tỉ USD. Thỏa thuận này là một Kế hoạch B để tạo dòng tiền cho kế hoạch kinh tế của Arab Saudi sau khi đợt IPO của Aramco bị hoãn lại. Về bản chất, Thái tử Mohammed bin Salman sẽ sử dụng bảng cân đối kế toán hoàn hảo của Aramco để tài trợ cho tham vọng của ông.

Aramco sẽ trả 50% chi phí mua lại Sabic khi thỏa thuận trên kết thúc và phần còn lại sẽ được thanh toán trong hai năm sau đó. Aramco đã từ chối đưa ra bình luận.

Bật mí bí mật của Saudi Aramco - công ty có lợi nhuận khủng nhất thế giới 2018 - Ảnh 3.

Các số đo tài chính quan trọng của Aramco.

Việc Arab Saudi phụ thuộc vào Aramco để tài trợ cho chi tiêu xã hội và quân sự cũng như lối sống xa hoa của hàng trăm hoàng tử tại vương quốc này đã đặt một gánh nặng lớn lên dòng tiền của Aramco. Aramco dùng 50% lợi nhuận để trả thuế thu nhập, cùng với thuế khoáng nghiệp lũy giảm (sliding-scale royalty) bắt đầu từ 20% doanh thu của công ty và có thể tăng tới 50%.

Aramco báo cáo dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trị giá 121 tỉ USD và chi tiêu tài sản cố định là 35,1 tỉ USD. Công ty này đã trả 58,2 tỉ USD cổ tức cho chính phủ Arab Saudi vào năm 2018. Trong một bài thuyết trình trước các nhà đầu tư trái phiếu tiềm năng, Aramco cho biết "cổ tức thông thường" năm 2018 là khoảng 52 tỉ USD. Hiện vẫn chưa có một lời giải thích ngay lập tức nào về khoảng cách giữa hai con số trên.

Fitch cho biết xếp hạng A+ của Aramco phản ánh mối liên kết mạnh mẽ giữa công này và Arab Saudi cũng như ảnh hưởng của nhà nước lên Aramco thông qua việc điều chỉnh mức độ sản xuất, thuế và cổ tức.

"Theo thời gian, môi trường giá dầu thấp có thể gây ra thâm hụt tài khóa kéo dài cho Arab Saudi. Điều này có thể dẫn đến những thay đổi trong chế độ tài khóa của Aramco", ông Neil Beveridge, nhà phân tích năng lượng tại Sanford C. Bernstein tại Hong Kong, cho hay.

"Bạn không thể tách rời chính phủ Arab Saudi khỏi Aramco vì mối quan hệ chặt chẽ giữa hai bên và vì sự đóng góp của Aramco đến hoạt động tài trợ chung cho Arab Saudi", ông Beveridge nói thêm.

Aramco cũng đã báo cáo dòng vốn từ hoạt động kinh doanh - một chỉ tiêu được các nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ và tương tự như dòng tiền từ hoạt động kinh doanh - tương đương 26 USD mỗi thùng dầu năm 2018. Con số này thấp hơn những gì các công ty dầu thô lớn, chẳng hạn như Shell và Total SA được hưởng, lần lượt ở mức 38 USD và 31 USD mỗi thùng.

"Dòng vốn từ hoạt động kinh doanh - hay dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trước khi thay đổi vốn lưu động, chính là phương pháp tốt nhất để so sánh lợi nhuận của các công ty dầu mỏ, bởi lợi nhuận trước thuế và lãi (Ebitda) không tính đến tác động của thuế", ông Dmitry Marinchenko, giám đốc cấp cao của Fitch tại London, cho hay.

Bật mí bí mật của Saudi Aramco - công ty có lợi nhuận khủng nhất thế giới 2018 - Ảnh 4.

Aramco không vượt trội về số vốn được tạo ra cho mỗi thùng dầu được sản xuất so với các công ty sản xuất dầu mỏ khác.

Aramco công bố với các nhà đầu tư trái phiếu tiềm năng rằng công ty này đã tạo ra dòng tiền từ hoạt động kinh doanh trị giá 121 tỉ USD trong năm 2018. Mặc dù con số này cao hơn đáng kể so với các nhà sản xuất dầu khác, sự khác biệt không lớn như Ebitda hay thu nhập ròng. Chẳng hạn, Shell báo cáo dòng tiền trị giá 53 tỉ USD, mặc dù sản xuất ít dầu thô và khí đốt hơn Aramco. Exxon cũng đã báo cáo dòng tiền trị giá 36 tỉ USD vào năm 2018.

Xếp hạng A+ của Fitch dành cho Aramco thấp hơn một bậc so với AA- của Sheel và Total. Xếp hạng của Moody dành cho Aramco cũng thấp hơn bậc Aaa của Exxon.

The một nguồn tin thân cận, gã khổng lồ ngành dầu mỏ này đã yêu cầu các ngân hàng tổ chức roadshow từ ngày 1/4 để quảng bá cho trái phiếu bằng đồng USD của hãng, kì hạn từ 3 đến 30 năm. Fitch cho hay Aramco đã lên kế hoạch thanh toán 70% cổ phần của Sabic bằng phương thức trả góp trong giai đoạn 2019 - 2021.

Aramco sẽ tổ chức các cuộc họp với nhà đầu tư trong thời gian sắp tới tại London, New York, Boston, Singapore, Hong Kong, Tokyo, Los Angeles và Chicago. Aramco đã chỉ định các ngân hàng gồm JPMorgan và Morgan Stanley để quản lí đợt chào bán trái phiếu.

Kế hoạch phát hành trái phiếu, xếp hạng tín dụng và việc công bố những thông tin đầu tiên về tài chính của Aramco đều nằm trong tham vọng của Thái tử Mohammed, người kiểm soát hầu hết đòn bẩy quyền lực tại Arab Saudi và muốn theo đuổi hoạt động IPO như một phần trong kế hoạch điều hành đất nước trong thời kì hậu dầu mỏ.

Tuy nhiên, tham vọng đạt được định giá 2.000 tỉ USD đã vấp phải sự phản đối từ các nhà đầu tư toàn cầu, gây ra sự chậm trễ trong hoạt động IPO của Aramco.

Nếu Thái tử Mohammed đạt được mục tiêu, thông qua việc chào bán 5% cổ phần, Aramco sẽ gọi vốn kỷ lục 100 tỉ USD, bỏ xa đợt IPO 25 tỉ USD của hãng thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba Group tại Mỹ năm 2014.

Trần Nam Thi