|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nguyên Chủ tịch VASEP vén màn 'luật chơi' bên mua khiến thương hiệu tôm Việt Nam vẫn chưa mạnh

13:57 | 24/07/2019
Chia sẻ
Ông Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch VASEP cho biết trên bao bì sản phẩm tôm Việt Nam là thương hiệu của hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu. Còn mã hiệu doanh nghiệp và tên Việt Nam chỉ là dòng chữ khiêm tốn trên bao bì.

Thương hiệu tôm Việt Nam chưa mạnh

Chia sẻ trên VASEP mới đây, TS Hồ Quốc Lực, Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam, cho biết tôm Việt đã tham gia thương trường thế giới trên 40 năm. 

Đến nay, tôm Việt đã bơi khá xa, tiêu thụ tới gần trăm quốc gia. Nhưng việc xây dựng thương hiệu tôm Việt đến nay chưa có sự tiến triển mạnh.

Nhiều người còn đang bàn luận là xây dựng thương hiệu tôm quy mô quốc gia trước hay xây dựng thương hiệu tôm ở từng doanh nghiệp tôm trước. Đến nay, dù có nhiều văn bản cho chuyện này, nhưng thực tế chưa có sự chuyển biến rõ ràng. 

"Nếu không có tôm sạch thì doanh nghiệp lấy nền tảng nào xây dựng thương hiệu? Chỉ câu hỏi này nói lên tầm quan trọng hàng đầu của các chương trình vĩ mô. Ở tầm vĩ mô phải ý thức, khởi động trước, làm cơ sở hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu cho mình", theo ông Lực.

Ông Lực cho biết thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tôm hình thành và không ít phá sản. Cho đến hôm nay, tuy có hơn trăm doanh nghiệp tôm nhưng doanh nghiệp có doanh số trên trăm triệu USD không nhiều, trên đầu ngón tay. 

Xây dựng thương hiệu không chỉ cần ý chí, quyết tâm mà còn cần tài chính khá mạnh. Doanh nghiệp quy mô không lớn, vốn vài triệu USD, chỉ năm bảy lô hàng sai sót bị khách hàng nước ngoài trả về, lỗ lãi lớn, là có nguy cơ an toàn tài chính

Hoặc do nhận định không chính xác, hợp đồng xong thì giá nguyên liệu tăng mạnh, nếu trả đủ hàng theo hợp đồng thì lỗ nặng chỉ còn cách "xù" hợp đồng.

Những điều nêu trên, mấy chục năm qua, xảy ra trong cộng đồng doanh nghiệp tôm không ít. Dẫn đến uy tín các doanh nghiệp tôm Việt không cao.

"Luật chơi" của bên mua

Nếu làm hàng tốt, được tín nhiệm tiêu thụ nhiều, nhưng trên bao bì vẫn là thương hiệu của hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu. Còn mã hiệu doanh nghiệp và tên Việt Nam chỉ là dòng chữ khiêm tốn trên bao bì

Người tiêu dùng làm sao biết hàng của doanh nghiệp nào, chỉ có hệ thống phân phối hoặc nhà nhập khẩu biết. Ông Lực cho biết đây là luật chơi của bên mua, bởi ai cũng muốn xây dựng thương hiệu cho mình và họ ở thế thượng phong.

"Nếu có doanh nghiệp nỗ lực làm mẫu mã riêng bán cho họ, giá từ thấp lên, chất lượng từ cao lên họ có mua hay không? Chỉ có những hệ thống tiêu thụ nhỏ chưa xây dựng thương hiệu riêng mới có thể chấp nhận chuyện này", ông Lực nói. 

Trong thực tế nhiều doanh nghiệp tôm Việt đã làm được ở thị trường Hàn Quốc. Khi tiếng tăm thương hiệu tốt, sẽ có sự lan toả thậm chí qua thị trường khác như Nhật Bản. 

Muốn được hệ thống phân phối lớn, nhất là hệ thống cấp cao, yên tâm mua hàng của mình, các doanh nghiệp tôm phải lấy chữ tín làm hàng đầu. Các hợp đồng đã kết phải thực hiện cho đúng từ số lượng, cơ cấu, kích cỡ, độ ẩm, thời gian giao hàng, chất lượng bên trong đến mẫu mã bên ngoài.

Ông Lực cho rằng làm đúng chuyện này trong thời gian dài, sản lượng tiêu thụ lẫn giá cả đều có thể tăng lên. 

Đức Quỳnh

VDSC: Dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024
Các chuyên gia phân tích của VDSC cho rằng bộ đệm để ứng phó với áp lực tỷ giá là dự trữ ngoại hối đã hao hụt đáng kể trong năm 2024, ước tính khoảng 8-10 tỷ USD. Điều này khiến cho tỷ giá dễ biến động khi có áp lực về luồng ngoại tệ rút ra.