|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Xuất khẩu tôm: ứng phó với việc giá thành cao, sức cạnh tranh giảm

22:09 | 23/07/2019
Chia sẻ
Một trong những diễn tiến mới trong hoạt động xuất khẩu thủy hải sản là sản phẩm tôm từ một số công ty của Việt Nam đã được Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, và ngược lại sản phẩm cá tra lại bị tăng lên.

Một trong những diễn tiến mới trong hoạt động xuất khẩu thủy hải sản là sản phẩm tôm từ một số công ty của Việt Nam đã được Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, và ngược lại sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. 

Theo giới chuyên gia, về ngắn hạn, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ, đồng thời, tăng cường mở rộng xuất khẩu cá tra sang các thị trường Trung Quốc, EU và ASEAN. Tuy nhiên, giá thành sản xuất tôm Việt Nam đang cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Ecuador và Thái Lan...

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6-2019 ước đạt 794 triệu đô la Mỹ, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt gần 4 tỉ đô la, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam, chiếm 55,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.

Xuất khẩu tôm: ứng phó với việc giá thành cao, sức cạnh tranh giảm - Ảnh 1.

Giá thành sản xuất tôm cao gây khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Trong ảnh là tôm nuôi của một doanh nghiệp. Ảnh: Trung Chánh

Trong khi sản phẩm tôm từ một số công ty của Việt Nam đã được Mỹ gỡ áp thuế chống phá giá, thì sản phẩm cá tra lại bị tăng lên. Do đó, về ngắn hạn, các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang thị trường này, đồng thời, tăng cường mở rộng xuất khẩu cá tra sang các thị trường truyền thống khác như Trung Quốc, EU và ASEAN.

Tuy nhiên, giá thành sản xuất tôm cao đang gây khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Vậy, đâu là nguyên nhân và doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang phải ứng phó ra sao trong cuộc cạnh tranh này?

Nguyên nhân khiến giá thành tôm cao

Trao đổi với TBKTSG Online liên quan đến giá thành nuôi tôm, ông Võ Hồng Ngoãn, người được mệnh danh là “vua tôm” ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngụ tại thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết, đối với tôm thẻ chân trắng, giá thành sản xuất mỗi kí lô gam đang rơi vào khoảng 75.000-85.000 đồng; còn với tôm sú là 110.000-130.000 đồng/kg do thời gian nuôi tôm sú kéo dài hơn so với tôm thẻ chân trắng.

Với mức chi phí đầu tư sản xuất như nêu trên, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá thành sản xuất tôm Việt Nam đang cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh như Ecuador, Indonesia, Thái Lan... từ 10.000- 30.000 đồng/kg. 

Điều này, dẫn đến việc cạnh tranh trong xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước so với các doanh nghiệp ở những quốc gia này hết sức khó khăn.

Lý giải nguyên nhân khiến giá thành sản xuất tôm Việt cao, theo ông Ngoãn, do đầu vào sản xuất phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, bao gồm con giống, thuốc thú y, thức ăn… “Có một điểm vô lý, đó là ngoài bột cá, trong nước có bắp, đậu nành, tức có nguồn đạm thực vật. 

Vậy, tại sao không vận dụng cái này, mà đi bán cho nước ngoài và nhập ngược lại bột cá?”, ông đặt câu hỏi và cho rằng đây là một trong những yếu tố khiến chi phí giá thành nuôi tôm của Việt Nam cao hơn các nước.

Theo dẫn chứng của ông Ngoãn, trước đây, giá thức ăn nuôi tôm chưa đến 20.000 đồng/kg, nhưng hiện đã vượt lên mức giá 40.000-42.000 đồng/kg, tức đã tăng gấp đôi so với trước đây.

Bốn tháng đầu năm 2019, giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam sang cac thị trường đạt 848,4 triệu đô la Mỹ, giảm 16,7% so với cùng kỳ năm 2018, theo VASEP.

Một điểm quan trọng khác cũng khiến giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao, ông Ngoãn cho biết, đó là việc chạy theo số lượng, không quan tâm đến chất lượng thông qua mở rộng quy mô khiến chất lượng nguồn nước, môi trường đất bị hủy hoại. 

"Điều này, khiến mầm bệnh bùng phát, tức việc sử dụng thuốc, kháng sinh để phòng, trị bệnh cho tôm nuôi cũng tăng lên hay nói cách khác chi phí đầu tư tăng", ông cho biết và nói rằng điều này sẽ làm lợi cho các doanh nghiệp đầu vào, nhưng bất lợi cho nông dân, thậm chí thua lỗ.

Mặt khác, ngành điện đã quyết định tăng bán giá điện như thời gian qua cũng khiến giá thành sản xuất tôm tăng lên.

Ông Trần Văn Phẩm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (STAPIMEX) cho rằng, lý do khiến giá thành con tôm Việt Nam cao vì sự phát triển không đồng bộ. “Cụ thể, lĩnh vực nuôi và đầu vào của mình “lu bu” quá nên giá thành còn cao”, ông nói và cho rằng một số sản phẩm công nghệ phục vụ cho ngành đều phải nhập từ nước ngoài, bao gồm con giống, thức ăn, thuốc thủy sản, máy móc thiết bị…

Theo ông Phẩm, giá thành tôm cao nằm ở quá trình nuôi, tức phương thức nuôi cũ không còn phù hợp với xu thế hiện nay trên thế giới, trong khi đó, việc chuyển qua hình thức nuôi mới, thì các điều kiện cần và đủ (vốn, chính sách tạo quỹ đất nuôi quy mô lớn...) để hỗ trợ vẫn chưa hoàn thiện.

Doanh nghiệp ứng phó trong ngắn hạn

Trong bối cảnh giá thành sản xuất tôm Việt Nam cao hơn đối thủ cạnh tranh như nêu trên, câu hỏi được đặt ra là doanh nghiệp tôm trong nước đang phải ứng phó ra sao với các đối thủ khi xuất khẩu?

Ông Phẩm của STAPIMEX cho rằng, thị trường bây giờ cũng có nhiều phân khúc khác nhau. “Ví dụ, đối với mặt hàng gạo ở thị trường nội địa, thì cũng có nhiều loại, gồm cao cấp, trung bình, cấp thấp”, ông dẫn chứng và cho rằng thị trường tiêu thụ tôm bên ngoài cũng vậy, tức có nhiều phân khúc khác nhau để doanh nghiệp lựa chọn.

Theo ông, cách ứng phó của doanh nghiệp là tùy thuộc vào diễn biến của thị trường, tình hình cung cầu ở từng thời điểm, mà họ đề ra những chiến lược khác nhau. 

“Chẳng hạn, đi vào thị trường cao cấp, thì đòi hỏi sản phẩm phải khác biệt để cạnh tranh, thì doanh nghiệp làm sản phẩm khác biệt”, ông cho biết và nói rằng khi vào thị trường thấp cấp, thì doanh nghiệp tính toán lại mức giá để cạnh tranh tốt hơn, mà cụ thể là có thể đặt biên lợi nhuận thấp hơn để có giá tốt.

“Thật sự, có những doanh nghiệp bán giá thấp, nhưng nếu mình làm sản phẩm chất lượng phù hợp, thì bán cũng được, chứ không phải không”, ông cho biết và nói rằng quan trọng là doanh nghiệp có chiến lược và cách tính toán cân đối, phù hợp cũng sẽ có "đường ra".

Tuy nhiên, khi giá thành kém cạnh tranh, tức mức độ "thỏa mãn" nhu cầu khách hàng tiêu dùng của doanh nghiệp trong nước kém hơn so với các đối thủ, thì dẫn đến tổng dung lượng thị trường của Việt Nam sẽ bị thu hẹp để nhường thị phần lại cho các nước xuất khẩu khác.

“Còn nếu giá thành thấp, thì doanh nghiệp Việt sẽ bán được với giá hấp dẫn hơn so với các đối thủ khác từ Ấn Độ, Indonesia, Ecuador. Lúc đó, đối thủ sẽ bị thu hẹp thị phần và mình sẽ phát triển”, ông Phẩm cho biế, và bổ sung thêm đó là quy luật thị trường và việc ứng phó tùy thuộc vào từng thời điểm khác nhau.

Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu tôm khác xin không nêu tên quyết định chọn hướng đi cho đơn vị mình, đó là sản xuất sản phẩm tôm sinh thái nhằm tạo sự khác biệt để cạnh tranh. 

“Giá bán sản phẩm có thể sẽ cao hơn, nhưng chính sự khác biệt của sản phẩm được khách hàng chấp nhận, thì mình vẫn bán được”, ông nói, nhưng thừa nhận đây cũng chỉ là cách để tối đa lợi nhuận cho doanh nghiệp thôi, chứ dung lượng thị trường không lớn. “Bởi, phân khúc thị trường này chỉ người giàu mới chấp nhận, trong khi đa phần người tiêu dùng trong xã hội đâu phải ai cũng giàu”, vị này giải thích.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Trung Chánh

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.