|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nguy cơ xu hướng tách rời Mỹ-Trung trở thành hiện thực

06:54 | 08/06/2020
Chia sẻ
Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy tình hình tranh cử liên nhiệm của Tổng thống Mỹ Donald Trump có quan hệ chặt chẽ với chính sách Trung Quốc của Mỹ.
Nguy cơ xu hướng tách rời Mỹ-Trung trở thành hiện thực - Ảnh 1.

Gian hàng của Huawei tại Hội nghị di động thế giới ở Barcelona, Tây Ban Nha. Ảnh: THX/TTXVN

Cùng với việc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, phương cách ứng phó tốt nhất của ông Trump chính là chuyển hướng sự chú ý của người dân vào Trung Quốc.

Để "dán nhãn" cho Trung Quốc là nước đối địch hàng đầu của Mỹ, khi trả lời phỏng vấn kênh Fox Business ngày 14/5, ông Trump đe dọa “cắt đứt mọi quan hệ với Trung Quốc”.

Nhà Trắng muốn hãng xe điện Tesla rời Trung Quốc, nhưng Giám đốc điều hành (CEO) của Tesla, tỷ phú Elon Musk vẫn tiếp tục xây dựng nhà máy mới ở Thượng Hải. Tập đoàn Apple cũng đối mặt với áp lực từ yêu cầu đưa dây chuyền sản xuất iPhone rời khỏi Trung Quốc.

Tuy nhiên, lợi ích kinh tế hiện thực và việc không thể nhanh chóng thay đổi chuỗi sản xuất là những vấn đề mà các doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt. Đó không chỉ là câu chuyện thị trường ở Trung Quốc, chuỗi sản xuất cũng ở Trung Quốc mà việc di dời cũng không thể thực hiện ngay lập tức.

Theo Tuần san châu Á, việc ông Trump lớn tiếng tuyên bố muốn “tách rời” Trung Quốc được xem là "động tác giả". Các lợi ích sẽ buộc doanh nghiệp gây áp lực đối với ông Trump ngay trong đảng Cộng hòa lẫn trong Chính phủ giống như trường hợp Chính quyền Mỹ yêu cầu hãng công nghệ Qualcomm không cung cấp chip điện tử cho Trung Quốc, nhưng đã bị gây sức ép ngược lại.

Nhu cầu của Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất cao trong doanh số bán hàng của Qualcomm, do đó, một khi lệnh cấm được đưa ra, Qualcomm sẽ chịu thiệt hại đầu tiên. Kết quả là Qualcomm lập tức gây sức ép đối với Nhà Trắng, nói rằng việc cấm bán hàng cho Trung Quốc chẳng khác gì việc hủy hoại một doanh nghiệp lớn của Mỹ, đồng thời khiến một lượng lớn công nhân thất nghiệp.

Phòng Thương mại Mỹ cũng cảnh báo nếu tẩy chay Huawei “quá tay” sẽ khiến kinh tế Mỹ thiệt hại, đồng thời làm gia tăng số lượng người Mỹ thất nghiệp.

Trước đe dọa cắt đứt nguồn cung chip điện tử của Mỹ, Trung Quốc có thể ra đòn trả đũa trong một số lĩnh vực then chốt. Đất hiếm, loại nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghệ cao, chính là một trong những chiến trường quan trọng.

Hơn 37% trữ lượng đất hiếm toàn cầu nằm ở Trung Quốc, 70% sản lượng đất hiếm hiện nay thuộc về Trung Quốc, nếu Mỹ muốn cắt đứt chuỗi ngành nghề, Trung Quốc có thể trả đũa ngành công nghệ cao của Mỹ.

Bên cạnh đó, nguyên liệu sản xuất thuốc kháng sinh đa phần ở Trung Quốc, nếu Bắc Kinh muốn “đóng van” chuỗi cung ứng, ngành dược phẩm của Mỹ sẽ khó có thể vận hành.

Theo thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một, Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn đậu tương Mỹ. Xuất khẩu đậu tương sang Trung Quốc liên quan tới lợi ích của các bang nông nghiệp ở Mỹ. Nếu Trung Quốc chặn đường vào thị trường nước này đối với đậu tương Mỹ, những lá phiếu ủng hộ ông Trump ở các bang nông nghiệp Mỹ lập tức sẽ dao động.

Trong trường hợp nguồn tin của hãng Bloomberg ngày 1/6 chính xác, quân bài này xem ra bắt đầu được sử dụng. Bởi Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước chủ yếu tạm dừng một phần hoạt động mua sắm hàng hóa từ Mỹ, trong đó có đậu tương. Các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng hủy bỏ nhiều đơn đặt hàng thịt lợn Mỹ.

Trên thực tế, chuỗi cung ứng Mỹ-Trung đang trong thế "cài răng lược", nếu cưỡng ép cắt bỏ, tách rời toàn diện thì cả hai đều thiệt hại, đặc biệt là đối với hoạt động tranh cử liên nhiệm của ông Trump. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Mỹ-Trung không thể tách rời.

Các chính trị gia diều hâu ở Mỹ muốn tách rời với Trung Quốc, nhưng đang phải đối mặt với phản ứng mạnh mẽ của giới doanh nghiệp. Cuộc đấu tranh này đang diễn ra quyết liệt trong lòng nước Mỹ.

Tuy nhiên, một khi bị kích thích bởi thời khắc tranh cử cuối cùng, ông Trump rất có thể sẽ phải tung ra thêm nhiều cái gọi là “động tác giả” với Trung Quốc. Vấn đề là các “động tác giả” đó rất dễ “lộng giả thành chân”, đẩy chuỗi cung ứng vào tình trạng rối loạn. 

Hà Ngọc