|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nguy cơ về 'chiến tranh tiền tệ ngược' do đồng USD mạnh lên

10:34 | 11/05/2022
Chia sẻ
Lạm phát cao và việc Mỹ tăng mạnh lãi suất đang khiến các ngân hàng trung ương chú ý tới sức hút của việc để cho đồng nội tệ lên giá.

Nâng lãi suất giúp làm cho đồng nội tệ tăng giá.

Theo Financial Times, việc USD tăng giá đã thúc đẩy một số nhà phân tích và nhà đầu tư dự đoán về một giai đoạn “chiến tranh tiền tệ ngược”, khi nhiều ngân hàng trung ương chuyển từ ưa thích nội tệ yếu sang muốn cho đồng nội tệ mạnh.

Động lực mới này đánh dấu sự xa rời khỏi thời kỳ lạm phát thấp sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu giai đoạn 2007-2009. Trong giai đoạn trên, lãi suất thấp kỷ lục và hoạt động mua tài sản quy mô lớn để bơm tiền ra nền kinh tế đã châm ngòi cho những cáo buộc về việc một vài nhà hoạch định kinh tế đang theo đuổi chiến tranh tiền tệ.

Nhưng khi giá cả toàn cầu bùng nổ sau đại dịch COVID cộng thêm những ảnh hưởng từ cuộc xung đột tại Ukraine, các ngân hàng trung ương đã thay đổi mục tiêu từ khuyến khích tăng trưởng sang hạ thấp lạm phát.

“Chúng ta đang ở trong một thế giới mà việc có một đồng tiền mạnh và triệt tiêu các động lực thúc đẩy lạm phát là điều mà các nhà hoạch định chính sách thực sự hoan nghênh”, ông Mark McCormick, người đứng đầu chiến lược ngoại hối tại TD Securities cho hay.

Kỷ nguyên "chiến tranh tiền tệ ngược"

Tuần này, USD đạt mức cao nhất so với rổ 6 loại tiền tệ mạnh khác thủ trong vòng 20 năm khi Fed cố hạ nhiệt lạm phát bằng cách tăng mạnh lãi suất. Ông McCormick lập luận rằng, đồng USD đang tăng giá đã tạo thêm áp lực cho các ngân hàng trung ương để bắt kịp Fed.

Chỉ số DXY đánh giá giá trị của USD so với một rổ ngoại tệ.

Một đồng tiền yếu sẽ thúc đẩy lạm phát bằng cách khiến cho giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu tăng. Những nhà phân tích tại Goldman Sachs đã xác định kỷ nguyên mới về “chiến tranh tiền tệ ngược”, trong đó ngân hàng trung ương tại những quốc gia phát triển lớn phải tăng lãi suất trung bình khoảng 0,1 điểm % để bù đắp 1% sụt giảm của đồng nội tệ.

Tuần trước, EUR chạm mức thấp nhất trong vòng 5 năm so với USD, làm dấy lên những suy đoán rằng đồng tiền chung của EU có thể giảm xuống ngang bằng so với USD do ảnh hưởng từ xung đột tại Ukraine kìm hãm nền kinh tế của khu vực Eurozone. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã chú ý tới việc đồng EUR mất giá 7% so với USD kể từ đầu năm đến nay.

Bà Isabel Schnabel, một thành viên có tầm ảnh hưởng tại hội đồng quản trị ECB nói rằng Ngân hàng trung ương Châu đang “xem xét cẩn thận” những ảnh hưởng lạm phát của đồng EUR yếu. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh rằng ECB không áp đặt mục tiêu cho tỷ giá hối đoái.

Tuy vậy, các nhà đầu tư ngày càng tin rằng ECB sẽ khó lòng theo kịp Fed do sự gần gũi với Ukraine và mức độ phụ thuộc của EU và nhập khẩu năng lượng.

Trong tuần này, bảng Anh (GBP) cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hai năm sau khi Ngân hàng trung ương Anh (BoE) tăng lãi suất 4 lần liên tiếp và cảnh báo rằng Anh đang hướng tới một cuộc khủng hoảng vào cuối năm 2022.

Các nhà chiến lược tại Goldman Sachs đã cảnh báo rằng GBP yếu đi có thể khiến những nhà hoạch định chính sách của BoE lo lắng. “Tới một lúc nào đó, tâm lý về ‘chiến tranh tiền tệ ngược’ có thể được BoE chú ý hơn, do sự suy yếu của đồng nội tệ ngày càng làm trầm trọng thêm triển vọng lạm phát vốn đã ảm đạm”, Goldman Sachs cho biết.

Ngân hàng trung ương Thụy Sĩ (SNB), từ lâu đã là bảo vệ tỷ giá của đồng franc khỏi việc tăng giá cũng đã phải thay đổi. Tuy nhiên, tuần này, bà Andrea Maechler, thành viên hội đồng quản trị SNB cho biết một đồng franc mạnh sẽ giúp ngăn ngừa lạm phát.

 

Ngân hàng trung ương Nhật Bản nhìn chung vẫn ưa thích đồng tiền yếu và đang tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng ngay cả khi đồng yên trải qua một đợt giảm giá kỷ lục. Tuy nhiên, tốc độ sụt giảm của đồng yên làm gia tăng suy đoán rằng Bộ Tài chính Nhật Bản có thể nhúng tay vào thị trường để hỗ trợ đồng tiền này, lần đầu tiên kể từ năm 1998.

Nền kinh tế mới nổi

Đồng USD mạnh cũng tạo ra vấn đề cho các nền kinh tế mới nổi, đặc biệt là những quốc gia có một lượng lớn nợ bằng USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay cả trước khi USD tăng giá, khoảng 60% các quốc gia có thu nhập thấp đã có nguy cơ vỡ nợ.

Ông Rick Rieder, Giám đốc đầu tư về thu nhập cố định toàn cầu tại BlackRock, cho biết các khoản nợ bằng USD ở hầu hết các thị trường mới nổi ngày nay là khá lớn, không chỉ ở cấp độ chính quyền mà còn ở doanh nghiệp. “Đồng USD mạnh là một lý do vì sao có rất ít đầu tư vào những nền kinh tế mới nổi trong thời điểm hiện nay. Bởi vì việc đầu tư mang rủi ro rất lớn", ông Rieder nói.

Theo ông Karl Schamotta, Giám đốc chiến lược thị trường tại Corpay, những trở ngại này là lời gợi nhắc mới nhất về việc USD là “đồng tiền của Mỹ, vấn đề của bạn”. Ông Schamotta đã trích dẫn câu nói của Bộ trưởng Tài chính Mỹ John Connally phát biểu vào đầu những năm 1970.

Do vị trí trọng tâm đặc biệt trong hệ thống tài chính toàn cầu, sức mạnh của USD khiến nhiều doanh nghiệp và gia đình ngoài lãnh thổ Mỹ gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận tài chính.

“Khi đồng USD tăng, chúng ta sẽ thấy sự thắt chặt điều kiện tài chính trên toàn cầu”, ông Schamotta nói. “Mỹ tiếp tục làm cho thế giới điêu đứng”.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.