|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cảnh báo về tác động từ chính sách tăng lãi suất của Fed

22:00 | 06/05/2022
Chia sẻ
Việc Fed tăng lãi suất có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa các nước đang phát triển và các nước có thu nhập thấp hơn ở Mỹ Latinh.

Quang cảnh bên ngoài Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ở Washington DC., ngày 27/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).

Nhà kinh tế người Argentina Jorge Marchini cảnh báo việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, để đối phó với tỷ lệ lạm phát cao nhất trong 40 năm, có thể "giáng một đòn mạnh" vào các nước thu nhập thấp và các nền kinh tế đang phát triển. 

Ông Marchini, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Buenos Aires lưu ý rằng ngày 4/5, Fed đã tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, mức tăng lãi suất lớn nhất trong hai thập kỷ và tác động từ quyết định này là rất lớn, đặc biệt là đối với một quốc gia như Argentina, vốn là con nợ lớn nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Theo ông Marchini, việc Fed tăng lãi suất không chỉ khiến việc hoàn trả các khoản vay khó khăn hơn hoặc tốn kém hơn mà còn làm suy giảm niềm tin vào Argentina, đồng thời tác động trực tiếp đến tỷ giá hối đoái.

Ông Marchini nhấn mạnh lãi suất tăng rõ ràng đồng nghĩa với gánh nặng nợ lớn hơn. Trong quá khứ, động thái chống lạm phát tương tự với việc điều chỉnh nâng lãi suất tại Mỹ vào những năm 1980 từng là thảm họa đối với khu vực Mỹ Latinh.

Nhà kinh tế trên cho rằng dù tăng lãi suất là một giải pháp tình thế cho sự ổn định của kinh tế Mỹ, nhưng điều này có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng tại Mỹ Latinh và sự thay đổi rất mạnh mẽ về giá cả.

Hơn nữa, việc Fed tăng lãi suất có thể làm căng thẳng mối quan hệ giữa các nước đang phát triển và các nước có thu nhập thấp hơn ở Mỹ Latinh với việc châm ngòi cho "một cuộc cạnh tranh phá giá tiền tệ".

Quyết định của Fed cũng được đưa ra vào thời điểm nhiều quốc gia trên toàn cầu vẫn chưa thể phục hồi sau những cú sốc của đại dịch COVID-19. Theo ông Marchini, các quốc gia gần đây đã gánh rất nhiều nợ. Đại dịch COVID-19 đã làm tăng đáng kể mức nợ công tại các quốc gia Mỹ Latinh lên gần 60% GDP.

Các chính phủ phải đối mặt với việc phân bổ nhiều khoản tài chính hơn để trả nợ và hạn chế hơn khả năng tiếp cận các khoản vay khi lãi suất tăng.

Trong khi đó, thực tế là đồng USD là đồng tiền toàn cầu hàng đầu mang lại cho Mỹ "lợi thế lớn", bao gồm cả việc quản lý chính sách tiền tệ theo các điều kiện, yêu cầu và nhu cầu của riêng nước này. Tuy nhiên, tình hình có thể thay đổi, khi các điều kiện thương mại mới và vấn đề lạm phát toàn cầu có thể dẫn đến một cuộc tranh luận về cách thức ổn định tiền tệ trên toàn thế giới và về vai trò của đồng USD.

Trà My (Theo THX)

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.